Bảo tồn sinh sản là nhu cầu chính đáng của người phụ nữ trong xã hội hiện đại. Mặt khác, trong trường hợp chẳng may mắc một căn bệnh hiểm nghèo nào đó hoặc không có điều kiện mang thai trong độ tuổi sinh sản lý tưởng thì việc bảo tồn khả năng sinh sản là vấn đề cần được cân nhắc.
1. Bảo tồn sinh sản là gì?
– Khả năng sinh sản là điều thiêng liêng của người phụ nữ nhưng trong một số trường hợp, do các yếu tố tác động có thể từ bên trong hoặc bên ngoài mà chức năng này mất đi. Do đó, nếu có khả năng giữ lại chức năng này trước khi bị mất đi là niềm hạnh phúc cho người phụ nữ. Các kỹ thuật hiện đại ngày nay sẽ giúp người phụ nữ lưu trữ trứng, phôi hoặc phôi khoẻ mạnh trong một thời gian nhất định cho đến khi họ muốn có thai, gọi chung là kỹ thuật bảo tồn sinh sản.
2. Những trường hợp nào có thể/nên thực hiện việc bảo tồn sinh sản?
– Tuổi là một trong những nguyên nhân thông thường ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người phụ nữ. Khả năng sinh sản tốt nhất là ở độ tuổi 20 đến 30 tuổi, khi đó buồng trứng vẫn còn chứa một số lượng lớn các trứng khỏe mạnh. Trước khi mãn kinh 10 đến 15 năm, chức năng buồng trứng sẽ bị suy giảm đáng kể mặc dù kinh nguyệt vẫn diễn ra điều đặn hàng tháng, đặc biệt với những phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.
- Trong thời đại ngày nay, phụ nữ có xu hướng theo đuổi sự nghiệp nhiều hơn cũng như có nhiều vai trò trong xã hội. Công việc cộng với áp lực khiến họ muốn kéo dài, trì hoãn việc sinh nở. Hoặc cũng có thể trong độ tuổi sinh sản tốt nhất, họ chưa gặp được đối tác ưng ý nên chưa kết hôn và sinh con.
- Tuy nhiên, thời gian trì hoãn càng lâu thì khả năng sinh sản của người phụ nữ càng giảm dần. Do đó, bảo tồn khả năng sinh sản là giải pháp để người phụ nữ vẫn có thể thực hiện thiêng chức thiêng liêng sau này khi mà họ đã qua “thời điểm vàng” cho việc sinh sản. Hay cũng có trường hợp đã có 1,2 con đầu, muốn sinh thêm nhưng điều kiện hiện tại chưa cho phép, phụ nữ cũng có thể thực hiện bảo tồn sinh sản để có nguồn hạnh phúc về sau. Có thể xếp những trường hợp này vào nhóm bảo tồn sinh sản do yếu tố xã hội.
– Ngoài ra, việc bảo tồn sinh sản còn là phương án tối ưu cho những người có nguy cơ chịu những tổn hại lên chức năng sinh sản do nguyên nhân bệnh lý hay môi trường làm việc có tính rủi ro cao. Ví dụ những người đang mắc bệnh nan y như ung thư, khi thực hiện các điều trị hoá trị hay xạ trị thì chức năng sinh sản cũng sẽ mất đi. Hoặc những bệnh lý về phụ nữ hay bệnh lý về máu cũng tiềm ẩn nguy cơ làm giảm chức năng sinh sản của người phụ nữ trong tương lai gần.
+ Bên cạnh đó, những trường hợp phải chịu các cuộc phẫu thuật tác động gây hại buồng trứng, về sau cũng sẽ ảnh hưởng đến chức năng sinh sản.
+ Mặt khác, người phải làm việc trong môi trường có tính rủi ro cao như tiếp xúc với hoá chất, bức xạ… thì bảo tồn khả năng sinh sản là phương án dự phòng để đảm bảo không ảnh hưởng đến việc sinh con sau này.
+ Bên cạnh đó, bảo tồn sinh sản còn có ý nghĩa trong việc điều trị hiếm muộn.
Như vậy, dù thuộc nhóm nguyên nhân nào thì bảo tồn sinh sản vẫn là nhu cầu chính đáng của phụ nữ (kể cả nam giới) để họ có thể thực hiện thiên chức thiêng liêng sau này khi mà điều kiện, hoàn cảnh hiện tại chưa thích hợp hoặc chưa cho phép.
Hội Bác sĩ Gia đình TP. HCM