Bắt đầu điều trị hiếm muộn

HIỂU BIẾT VỀ KHẢ NĂNG SINH SẢN

 

Nếu bạn gặp khó khăn trong việc có thai, bạn sẽ có cảm giác là mọi người đều có thể có thai ngoại trừ bạn. Thực tế thì bạn không hề đơn độc. Có nhiều phương pháp điều trị hiếm muộn có thể giúp bạn có thai.
  •  
  •  
  •  
  •  
Các phương pháp điều trị hiếm muộn?

Bạn có thể xem xét việc điều trị sau khi đã cố gắng canh thời điểm giao hợp. Có nhiều phương pháp điều trị tuỳ thuộc vào nguyên nhân hiếm muộn của bạn.
Các phương pháp này bao gồm[1]:
• Phẫu thuật
• Kích thích phóng noãn
• Thụ tinh nhân tạo (hay bơm tinh trùng vào buồng tử cung)
• Hỗ trợ sinh sản
Trước khi bắt đầu một phương pháp điều trị nào, bác sĩ sẽ chỉ định một số xét nghiệm cho cả hai vợ chồng, để chẩn đoán nguyên nhân khiến bạn khó thụ thai và lên kế hoạch điều trị tốt nhất cho các bạn.

 

  • Phẫu thuật

    Phẫu thuật có thể được thực hiện ở cả hai vợ chồng nhằm xác định nguyên nhân khó thụ thai.
    Một số phụ nữ mắc một số bệnh làm giảm khả năng sinh sản, như viêm nhiễm vùng chậu hoặc lạc nội mạc tử cung. Các bệnh lý này có thể làm tắc nghẽn, tạo mô sẹo hoặc phát triển tại vòi trứng hoặc tử cung[2].

    Bác sĩ sẽ tiến hành nội soi ổ bụng để loại bỏ các mô sẹo hoặc các sang thương đang phát triển [2].Các thủ thuật nhỏ như sinh thiết tinh hoàn hoặc phẫu thuật lấy tinh trùng có thể được thực hiện cho người chồng để đánh giá khả năng sinh sản.

  • Kích thích phóng noãn

    Nếu bạn bị rối loạn phóng noãn hay rụng trứng, bác sĩ sẽ dùng thuốc để kích thích buồng trứng nhằm tạo ra trứng trưởng thành và gây rụng trứng. Kích thích buồng trứng giúp tạo ra một hoặc hai trứng trưởng thành, sau đó bạn sẽ được chỉ định ngày quan hệ trước và trong thời điểm rụng trứng[3].
    Có hai loại thuốc chính được sử dụng để gây phóng noãn: clomiphene citrate hoặc gonadotropins[3].

    • Clomiphene citrate — đây là loại thuốc thường được sử dụng đầu tay để tác động lên hạ đồi, tuyến yên, từ đó kích thích buồng trứng tạo trứng trưởng thành và phóng noãn
    • Gonadotropins— là loại mạnh hơn, được sử dụng khi thất bại với clomiphene citrate. Thuốc này trực tiếp kích thích lên buồng trứng để tạo noãn phát triển và trưởng thành
    • Thụ tinh nhân tạo

    Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI) là một phương pháp điều trị giúp tăng khả năng thụ thai bằng cách đưa tinh trùng đến gần trứng hơn[4].

    Mẫu tinh dịch sẽ được thu nhận, chuẩn bị và lọc rửa. Một ống mỏng nhỏ sẽ được đặt qua âm đạo vào buồng tử cung và bơm tinh trùng trực tiếp vô buồng tử cung.

  • Hỗ trợ sinh sản

    Hỗ trợ sinh sản là phương pháp tân tiến trong điều trị hiếm muộn. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy trứng và tinh trùng ra ngoài và cho thụ tinh bên ngoài cơ thể[5]. Hỗ trợ sinh sản giúp tối ưu hoá khả năng có thai, khắc phục được nhiều nguyên nhân của hiếm muộn[6].
    Có nhiều phương pháp khác nhau trong hỗ trợ sinh sản, không chỉ là thụ tinh trong ống nghiệm đơn thuần. Nắm rõ các bước trong từng quy trình điều trị sẽ giúp bạn quyết định phương pháp điều trị thích hợp.

  • Kiểm tra thường quy

    Dù bạn chọn phương pháp điều trị nào, bạn cũng cần thực hiện các xét nghiệm thường quy, như siêu âm và xét nghiệm máu, nhằm giúp bác sĩ của bạn theo dõi tiến trình điều trị. Đôi khi siêu âm có thể cho thấy các nang trứng của bạn không đáp ứng tốt. Trong trường hợp này, bác sĩ của bạn sẽ tư vấn và điều chỉnh liều thuốc sao cho thích hợp với sự đáp ứng của bạn.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Human Fertilisation and Embryology Authority (HFEA). Explore fertility treatments. Available at: https://www.hfea.gov.uk/treatments/. Accessed: February 2018.
  2. Khalaf Y. BMJ 2003;327(7415):610–613.
  3. American Society for Reproductive Medicine (ASRM). Medications for inducing ovulation. A guide for patients. 2016. Available at: http://www.reproductivefacts.org/globalassets/rf/news-and-publications/bookletsfact-sheets/english-fact-sheets-and-info-booklets/booklet_medications_for_inducing_ovulation.pdf. 2014. Accessed: February 2018.
  4. Rowell P, Braude P. BMJ 2003;327(7418):799–801.
  5. Zegers-Hochschild F, et al. Fertil Steril 2009; 92(5):1520–1524.

6.  Fritz M & Speroff L. Chapter 27. Female Infertility. In: Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility. 8th ed. Lippincott Williams & Wilkins. 2011; 1137–1419

 

Bắt đầu điều trị hiếm muộn

Bắt đầu điều trị hiếm muộn