BS Phan Thị Thu Thảnh
Chuyển phôi là bước cuối cùng trong quá trình điều trị hỗ trợ sinh sản, chuyển phôi được chia ra làm chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi đông lạnh.
Phôi ngay sau khi tạo ra sẽ được chuyển vào buồng tử cung trong cùng một chu kỳ gọi là chuyển phôi tươi, khác với chuyển phôi đông lạnh là phôi được tạo ra, trữ đông, sau đó sẽ được rã đông và chuyển phôi vào chu kỳ sau.
Trước đây, khi làm thụ tinh trong ống nghiệm, trứng sau khi được thụ tinh thành công với tinh trùng sẽ trở thành phôi. Đợi phôi phát triển đến giai đoạn thích hợp sẽ được cấy vào trong tử cung của người mẹ. Kể từ đó, quá trình mang thai sẽ diễn ra như bình thường. Tuy nhiên, với sự phát triển của kỹ thuật trữ- rã, ngày càng nhiều trường hợp được trữ lạnh phôi và chuyển phôi đông lạnh sau đó làm cho kỹ thuật chuyển phôi tươi dần ít đi và làm cho các cặp vợ chồng lo lắng khi mình được bác sĩ chỉ định chuyển phôi tươi.
Liệu rằng tỷ lệ thành công có giống nhau?
Một nghiên cứu năm 2016 kết luận rằng không có sự khác biệt đáng kể giữa các chu kỳ chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ.
Một phân tích tổng hợp khác vào năm 2021 cũng cho thấy rằng giữa chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ thì không có một chiến lược nào vượt trội hơn so với chiến lược còn lại về tỷ lệ sinh sống tích lũy và tỷ lệ mang thai diễn tiến.
- Tuy nhiên, phân tích cho thấy chuyển phôi tươi có thể sẽ rút ngắn thời gian hơn (trong trường hợp tỷ lệ sinh sống tích lũy tương tự) do không phải trì hoãn bởi quá trình đông lạnh phôi và chuẩn bị niêm mạc tử cung. Bên cạnh đó, chuyển phôi tươi cũng ít nguy cơ rối loạn tăng huyết áp của mẹ trong thai kỳ, giảm nguy cơ bé có cân nặng khi sinh cao hơn và giảm nguy cơ sinh con lớn so với tuổi thai. Nhược điểm là có thể làm tăng nguy cơ quá kích buồng trứng trong một số trường hợp.
- Phân tích này vẫn chưa xác định liệu chuyển phôi trữ có làm giảm nguy cơ sảy thai, tỷ lệ đa thai hoặc sinh con nhỏ so với tuổi thai so với chuyển phôi tươi hay không.
Vì thế, việc chuyển phôi tươi hay chuyển phôi trữ trước mắt vẫn không có lựa chọn tối ưu tuyệt đối mà tùy thuộc vào tình trạng của từng cặp vợ chồng.
Nếu bạn đủ điều kiện để chuyển phôi tươi, bạn có thể hoàn toàn tự tin thực hiện sau khi đã được bác sĩ giải thích rõ ràng.
Sau đây là một số kinh nghiệm chuyển phôi tươi thành công mà các chuyên gia khuyến khích thực hiện:
Trước ngày chuyển phôi
- Sử dụng thuốc đúng theo lời khuyên bác sĩ vì các loại thuốc sẽ giúp niêm mạc tử cung đầy đủ dinh dưỡng, đúng “cửa sổ làm tổ” phù hợp với phôi. Hãy luôn mang theo thuốc và đặt lịch để dùng thuốc đúng thời gian để tránh làm giảm khả năng thành công khi chuyển phôi.
- Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết để làm thủ tục chuyển phôi, ghi chú lại hướng dẫn của nhân viên y tế trước ngày chuyển phôi và lên kế hoạch đến bệnh viện đúng giờ hẹn. Tránh tình trạng thiếu giấy tờ hoặc quên hẹn, trễ hẹn làm trì hoãn thời gian chuyển phôi và gia tăng sự căng thẳng không đáng có.
- Ngủ đủ giấc, ăn món ăn hoặc đọc quyển sách mà bạn yêu thích để chuẩn bị một tinh thần tốt nhất sẵn sàng cho ngày chuyển phôi sắp tới.
Ngày chuyển phôi
- Thảo luận với bác sĩ về điều kiện chuyển phôi tươi: nội tiết lúc kích thích buồng trứng, niêm mạc tử cung, kích thước buồng trứng, tình trạng phôi, tình trạng cơ thể của bạn (đau bụng, mệt mỏi, căng thẳng, lo âu,...) có thật sự tốt sẵn sàng để tiếp nhận phôi. Nếu thực sự chưa sẵn sàng hoặc chưa đủ điều kiện, bạn hoàn toàn có thể động lạnh phôi và chờ đến khi khỏe hơn, không nên vì rút ngắn thời gian điều trị mà chuyển phôi khi chưa đúng chỉ định làm tăng nguy cơ biến chứng và giảm đi tỷ lệ thành công.
- Ăn nhẹ, tránh viêm đau dạ dày, hạ đường huyết sẽ làm cơ thể không thật sự thoải mái trong lúc tiếp nhận phôi.
- Uống nhiều nước và nhịn tiểu để chuẩn bị chuyển phôi.
- Không sử dụng các sản phẩm, mỹ phẩm gây mùi.
Trong lúc chuyển phôi
- Nên nhịn tiểu: bàng quang đầy giúp thay đổi góc của tử cung để chuyển phôi dễ dàng hơn và giúp bác sĩ quan sát tử cung bằng siêu âm qua ổ bụng để đặt phôi một cách hoàn hảo.
- Giữ tinh thần thoải mái, thư giãn
Ngay sau khi chuyển phôi
- Phôi tuyệt đối không rơi ra ngoài nên bạn hoàn toàn có thể vận động ngay lập tức sau khi chuyển phôi. Thông thường bệnh nhân thường muốn nằm nghỉ ngơi sau chuyển phôi, tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ thành công giữ nhóm vận động ngay sau chuyển phôi và nằm nghỉ ngơi tại giường. Do đó, nghỉ ngơi trên giường không được khuyến cáo sau khi chuyển phôi.
- Bạn có thể tiểu sạch sau khi chuyển phôi và cũng không cần lo lắng vì phôi cũng sẽ không rơi ra ngoài.
Kinh nghiệm sau khi chuyển phôi tươi
Bạn cần thời gian 10-14 ngày để xét nghiệm thử thai sau chuyển phôi. Sẽ rất khó khăn trong thời gian chờ đợi, tuy nhiên, không một dấu hiệu nào chính xác phản ánh việc có thai hay không vì thế không nên dùng que thử thai hoặc cố gắng tìm sự thay đổi của cơ thể, trái lại hãy giữ tinh thần thoải mái, đặt lịch và đến xét nghiệm máu đúng hẹn.
- Vận động nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng hoặc va chạm mạnh do nguy cơ vỡ, xoắn buồng trứng (buồng trứng còn to sau khi chọc chút trứng).
- Ăn uống sinh hoạt: Ăn nhiều rau xanh trái cây, tăng cường đạm, uống nhiều nước.
- Dùng thuốc đúng liều theo hướng dẫn.
- Theo dõi các dấu hiệu bất thường: Thông thường sau khi chọc hút trứng và chuyển phôi tươi buồng trứng sẽ còn to so với bình thường nên có thể sẽ có cảm giác đau âm ỉ vùng bụng dưới, đôi khi có lượng ít huyết nâu (huyết cũ còn sau khi chọc hút trứng hoặc đặt dụng cụ chuyển phôi). Tuy nhiên, bạn cần liên hệ ngay với trung tâm hoặc đến cơ sở y tế gần nhất nếu tình trạng đau bụng đột ngột tăng dữ dội, bụng chướng, tiểu ít hoặc ra huyết âm đạo lượng nhiều.
- Kiêng giao hợp trong thời gian này.
- Vệ sinh âm hộ thường xuyên tránh tình trạng viêm nhiễm nếu có dùng thuốc đặt âm đạo dài ngày.
Tóm lại, để chuyển phôi tươi thành công, bạn cần thảo luận với bác sĩ điều trị về điều kiện chuyển phôi tươi và các yếu tố liên quan, tuân thủ dùng thuốc và hướng dẫn theo dõi sau chuyển phôi, giữ tinh thần thật thoải mái để sẵn sàng đón nhận kết quả.
Tài liệu tham khảo
- Zaat T, Zagers M, Mol F, Goddijn M, van Wely M, Mastenbroek S. Fresh versus frozen embryo transfers in assisted reproduction. Cochrane Database Syst Rev. 2021 Feb 4;2(2):CD011184. doi: 10.1002/14651858.CD011184.pub3. PMID: 33539543; PMCID: PMC8095009.
- Basirat Z, Adib Rad H, Esmailzadeh S, Jorsaraei SG, Hajian-Tilaki K, Pasha H, Ghofrani F. Comparison of pregnancy rate between fresh embryo transfers and frozen-thawed embryo transfers following ICSI treatment. Int J Reprod Biomed. 2016 Jan;14(1):39-46. PMID: 27141547; PMCID: PMC4837924.
- Cozzolino M, Troiano G, Esencan E. Bed rest after an embryo transfer: a systematic review and meta-analysis. Arch Gynecol Obstet. 2019 Nov;300(5):1121-1130. doi: 10.1007/s00404-019-05296-5. Epub 2019 Sep 14. PMID: 31520259.