Các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới

Hiếm muộn ở nữ đang có xu hướng trẻ hóa trong xã hội hiện đại và nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới đặc biệt phức tạp đối hơn so với nam giới.

Theo nghiên cứu của Hiệp hội Y học Sinh sản Hoa Kỳ (American Society for Reproductive Medicine – ASRM) đã xác định rằng, trên thế giới, tỷ lệ hiếm muộn ở trong khoảng 6 – 12 %. Tại Việt Nam, tỷ lệ hiếm muộn này là 7,7 %. Các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới gây ra những ảnh hưởng nhất định về thể chất lẫn tinh thần cho các cặp vợ chồng.

 

Vô sinh có chữa được không?

Đối với câu hỏi vô sinh có chữa được không?  Theo thống kê mới nhất của Trung tâm hỗ trợ sinh sản IVF Bệnh Viện Quốc tế Phương Châu Cần Thơ cập nhật đến tháng 12/2022, tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm ở các cặp vợ chồng có tuổi vợ nhỏ hơn 35 là 74%, cùng với sự phát triển của y học và công nghệ, nhiều phương pháp điều trị vô sinh ra đời.

Các nguyên nhân hiếm muộn
Hình: Các nguyên nhân hiếm muộn

 

Nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới

Vô sinh đang có xu hướng trẻ hóa trong xã hội hiện đại. Với sự phát triển của y tế và khoa học, giúp phụ nữ hiểu rõ hơn về vấn đề “các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới” và các phương pháp hiện đại được áp dụng trong điều trị hiếm muộn nữ.

Có thể chia các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới thành 5 nhóm chính:

 

Rối loạn phóng noãn

Rối loạn phóng noãn (hay rối loạn rụng trứng) là nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới chiếm tới 40% trên tổng số các trường hợp. Thời điểm phóng noãn không diễn ra theo đúng chu kỳ hay không diễn ra sẽ giảm cơ hội tinh trùng gặp trứng, dẫn đến quá trình thụ tinh khó diễn ra.

Rối loạn phóng noãn, phổ biến do các vấn đề như hội chứng buồng trứng đa nang, suy giảm buồng trứng, u nang buồng trứng, ảnh hưởng sau khi phẫu thuật bóc tách buồng trứng… Bên cạnh đó, chức năng hoạt động của các vùng nội tiết trung ương bị rối loạn hay sự sản sinh hormone Prolactin nhiều bất thường cũng là một nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ.

 

Nữ giới mắc các bệnh lý vòi trứng và vùng chậu:

Những bệnh lý của vòi trứng và cấu trúc khác vùng chậu. Hai nguyên nhân thường gặp là tắc vòi trứng và lạc nội mạc tử cung.

Tắc vòi trứng là nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới được cho là thường gặp nhất ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 25 - 30% các trường hợp vô sinh. Tình trạng tắc vòi trứng thường không có triệu chứng rõ ràng, Vòi trứng bị tắc, tinh trùng không thể đến gặp trứng do đó hiện tượng thụ tinh không xảy ra.

Lạc nội mạc tử cung là một trong những nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới thường gặp, xảy ra 5-10% phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. nếu không điều trị kịp thời thì sẽ khiến các vi khuẩn xâm nhập vào buồng trứng, bàng quang... dẫn đến viêm nhiễm nặng nề, khiến cho sự làm tổ của phôi không thuận lợi.

 

Bất thường cổ tử cung

Những bất thường của cổ tử cung như cổ tử cung hẹp, chất nhầy cổ tử cung không thuận lợi, viêm cổ tử cung nặng do lậu cầu, trichomonas, mycoplasma… là nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới, đồng thời khi chất nhầy quá đặc cũng sẽ làm cản trở tinh trùng đi lên tử cung gặp trứng.

 

Bất thường cổ tử cung

Các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới có thể do các bất thường của tử cung như không có tử cung, tử cung dị dạng, nội mạc tử cung mỏng… Hầu hết, phụ nữ có dị dạng tử cung không gặp khó khăn khi mang thai và có kết quả thai kỳ bình thường.

 

Nhóm nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới không rõ nguyên nhân

Theo nghiên cứu, có khoảng 10% còn lại là hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

Ngoài ra các nghiên cứu đã chứng minh rằng phụ nữ tuổi càng cao thì chức năng sinh sản càng suy giảm, nhất là những người trong độ tuổi từ 35 trở lên chính là một trong những nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới cần được lưu ý. So với thời điểm trước 30 tuổi, giai đoạn này cả số lượng và chất lượng trứng đều đã giảm đáng kể, khả năng giải phóng trứng ít đi, không chỉ vậy còn làm gia tăng nguy cơ bị sảy thai, thai nhi bị dị tật hay các vấn đề khác trong thai kỳ.

 

nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới
Hình: Biểu đồ phân bố các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giớiCaption

 

Dấu hiệu nhận biết

Thực tế, hầu hết phụ nữ đều không biết mình đang có nguy cơ gặp phải vấn đề trong quá trình thụ thai, cho đến khi không đạt được mong muốn mang thai trong thời gian dài hoặc được chẩn đoán khi đi khám phụ khoa tổng quát.

Các triệu chứng cảnh báo các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, các vấn đề về nội tiết tố và những thay đổi ở các cơ quan sinh sản. Một số triệu chứng ở nữ giới dễ nhận biết nhất gồm:

  • Chu kỳ kinh nguyệt không đều
  • Dịch âm đạo bất thường
  • Xuất hiện các cơn đau vùng chậu
  • Rối loạn nội tiết tố
  • Các vấn đề về tuyến vú
  • Sẩy thai liên tiếp
  • Bệnh tình dục
  • Béo phì
  • Thống kinh

 

lịch chu kỳ kinh nguyệt
Hình: Lịch chu kỳ kinh của phụ nữ

 

Các phương pháp điều trị hiếm muộn ở nữ.

Ngày nay, có nhiều kỹ thuật hỗ trợ sinh sản được ứng dụng một cách rộng rãi giúp tăng khả năng thụ thai như:

 

Sử dụng thuốc

  • Dùng thuốc thường được áp dụng cho những trường hợp có biểu hiện bệnh không rõ ràng. Các thuốc được sử dụng đều có công dụng nâng cao chất lượng trứng như: Clomiphene và Gonadotropins.
  • Phẫu thuật phục hồi khả năng sinh sản: Phẫu thuật nội soi buồng tử cung: Phẫu thuật có thể liên quan đến việc khắc phục các vấn đề về giải phẫu tử cung. Phẫu thuật có thể nhằm mục đích phát hiện, chẩn đoán, đặc biệt ở nhóm hiếm muộn ở nữ không rõ nguyên nhân hoặc mang thai thất bại nhiều lần.
  • Phẫu thuật ống dẫn trứng: Nếu ống dẫn trứng (vòi tử cung) của bạn bị tắc, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nội soi để sửa chữa hoặc tái tạo lại ống dẫn trứng giúp có thể có thai tự nhiên.

 

Hỗ trợ sinh sản

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản được áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả trong việc điều trị hiếm muộn ở nữ, một số phương pháp phổ biến như:

  • Thụ tinh nhân tạo (IUI): Phương pháp này được áp dụng trong một số trường hợp như chồng có tinh trùng yếu, vợ có dị ứng với tinh dịch… với phương pháp này, tinh trùng được lọc rửa chọn những con khỏe mạnh, bác sĩ sẽ bơm trực tiếp tinh trùng vào buồng tử cung.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF): Phương pháp này được thực hiện khi tinh dịch đồ kém, tắc ống dẫn tinh. Tinh trùng và trứng sẽ được làm thụ tinh ở môi trường bên ngoài tử cung (trong phòng lab) tạo thành phôi rồi đưa vào buồng tử cung.
  • Bơm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI): Tinh trùng được lọc rửa và lựa chọn và bơm thẳng vào trứng trưởng thành, phương pháp này giúp tăng tỷ lệ thành công của thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Kỹ thuật trưởng thành trứng non (IVM): Đây là phương pháp noãn được chọc hút ở giai đoạn chưa trưởng thành và nuôi cấy ở môi trường cho đến khi trưởng thành sau đó kết hợp với tinh trùng để tạo phôi.
  • Bơm huyết tương giàu tiểu cầu tự thân (PRP) cải thiện niêm mạc cho phụ nữ niêm mạc mỏng, suy niêm mạc.
  • Điều trị dự phòng viêm niêm mạc tử cung mãn tính…
  • Phác đồ kích thích nhẹ buồng trứng (Mild Stimulation) cho bệnh nhân có dự trữ buồng trứng thấp;
  • Nội soi buồng tử cung chẩn đoán (Office Hysteroscopy);

 

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản được ứng dụng công nghệ cao
Hình: Các phương pháp hỗ trợ sinh sản được ứng dụng công nghệ cao.

Phụ nữ hiếm muộn nên ăn gì và phòng ngừa như thế nào?

Hiếm muộn ở nữ giới có thể xảy ra ở bất cứ ai, bất cứ độ tuổi nào, đặc biệt là khi cuộc sống ngày càng phát triển và có nhiều yếu tố tiêu cực từ môi trường sống tác động trực tiếp tới sức khỏe sinh sản.  Việc hiểu biết cũng như nắm được các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến vấn đề sinh sản của bản thân để biết cách phòng tránh các nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới là một điều hết sức quan trọng. Để phòng ngừa hiếm muộn ở nữ giới thì bạn nên thực hiện ngay từ những thói quen hàng ngày, cụ thể như sau:

  • Có lối sống khoa học: không lạm dụng rượu bia, thuốc lá, đồ uống có cồn hay các chất kích thích. Thường xuyên tập luyện thể dục, thể thao để có một sức khỏe tốt nhất.
  • Thực hiện đời sống tình dục lành mạnh, an toàn: Quan hệ tình dục vợ chồng thường xuyên từ 2 - 3 lần một tuần, không quan hệ thô bạo…
  • Bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo có một cơ thể khỏe mạnh nhất.
  • Hạn chế việc thường xuyên tiếp xúc với môi trường độc hại, ô nhiễm bởi đây là một trong những yếu tố có khả năng làm ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản của cả nam và nữ.
  • Nên đi thăm khám hiếm muộn ngay khi nhận thấy các dấu hiệu bất thường báo động khả năng gặp phải bệnh lý.

 

Kết luận

Các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới dần trở thành nỗi lo sợ của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Việc phát hiện sớm những dấu hiệu tiềm ẩn gây hiếm muộn ở nữ là vô cùng quan trọng giúp quá trình chữa trị hiệu quả, nhanh chóng. Và với nền y học hiện đại ngày nay, nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới đã tìm được biện pháp chữa trị. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp để mang đến hiệu quả tối ưu nhất thì phải dựa trên chẩn đoán và chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

 

Tài liệu tham khảo

1.Science and technology development journal:natural sciences, vol 2, issue 4, 2018

2. Ươm mầm hạnh phúc. Bs Vương Thị Ngọc Lan, Bs Hồ Mạnh Tường.2012

3. J.Cwikela et al (2007), Psychological interactions with infertility among women, European Journal of Obstetrics & Gynecology and Reproductive Biology, 117(2), 126-131.

Các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới

Các nguyên nhân gây hiếm muộn ở nữ giới