Cả tháng qua, chúng ta đã nghe nhiều về nhân vật chưa rõ “giới tính” được đặt cho nhiều cái tên: Virus Vũ Hán, Coronavirus, nCovi-2019, Sars-CoV-2 và cuối cùng ngày 11/2/2020-WHO chính thức gọi tên “người bạn gây rắc rối cho con người” là COVID-19. Tuy nhiên việc đặt tên này còn nhiều tranh cải nguyên nhân liên quan đến chính trị và xã hội học.[7] COVID-19, lây lan chóng mặt. Tính tới ngày 15/4/2020 đã có 1,9 triệu case nhiễm và hơn 120.000 người tử vong trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam con số tử vong là 0 và tỷ lệ nhiễm chưa quá 300 người. Có nhiều lý do giải thích: Việt nam áp dụng những biện pháp cách ly xã hội sớm và rất cương quyết; tỷ lệ người già và béo phì của Việt nam thấp hơn các nước phát triển; một lợi ích khác là chương trình tiêm ngừa Lao (BCG) một loại vaccine “giá rẻ” được áp dụng từ lâu và hiện nay là một trong những “trợ thủ” giúp bảo vệ cơ thể người chống lại các tác nhân gây hại cho phổi. Do đó, theo tính toán của các chuyên gia Anh thì những nước có tiêm BCG giảm thấp hơn 6 lần nguy cơ nhiễm COVID-19 so với các nước không có tiêm BCG. [11]
TƯ VẤN VÀ HỖ TRỢ
Với biện pháp “Cách ly xã hội” đã mang lại hiệu quả bước đầu trong công tác chống dịch. Tác hại của việc này ảnh hưởng đến kinh tế xã hội là điều không tránh khỏi. Với những đối tượng “Có vấn đề về sinh sản” thì COVID-19 có ảnh hưởng ra sao?
Hiện tại, rất ít thông tin về tác động của COVID-19 đối với sinh sản và mang thai. Có báo cáo về những phụ nữ đã xét nghiệm dương tính với COVID-19 sinh em bé không mắc bệnh nhưng với “con số nhỏ” nên chưa đủ thuyết phục. Các dạng coronavirus khác có liên quan đến kết quả bất lợi trong thai kỳ, nhưng dữ liệu cụ thể về COVID-19 vẫn chưa có sẵn, cần thời gian nghiên cứu thêm. [6]
Còn với Nam giới, một báo cáo của trường Đại học Tongji- cảnh báo nam giới nhiễm COVID-19 có thể gây vô sinh. Theo nghiên cứu trước đây virus SARS gây tổn thương cho mô tinh hoàn, hiện nay Covid-19 có cấu tạo tương tự và cũng có cơ chế tấn công vào mô và làm gia tăng enzyme ACE2 trong mô tinh hoàn làm giảm sản xuất tinh trùng.[12] Nhưng đây cũng chỉ là giả thuyết, Còn lời khuyên là nam giới nên đi xét nghiệm tinh dịch đồ để đánh giá khả năng sinh sản sau khi bị nhiễm COVID-19.
Hiện tại, các nước: Mỹ- Úc- Canada và Châu âu đã ra khuyến cáo ngừng các chu kỳ điều trị Thụ tinh trong ống nghiệm để giảm nguy cơ lây nhiễm, giúp bảo vệ Mẹ và Bé. Khuyến cáo của Hội sinh sản và Phôi thai Châu âu-ESHRE: hiện tại không nên bắt đầu điều trị hỗ trợ sinh sản vì những lý do sau:[8]
- Tránh các biến chứng do điều trị hỗ trợ sinh sản và mang thai
- Tránh các biến chứng tiềm ẩn liên quan đến COVID-19 khi mang thai
- Giảm thiểu nguy cơ lây truyền dọc ở bệnh nhân dương tính COVID-19
- Hỗ trợ tập trung nguồn lực y tế cho chống dịch
- Quan sát các biện pháp tiếp theo sau “Cách ly xã hội”
Khó khăn cũng từ đây. Với những case điều trị TTTON thì “Tuổi vợ” là yếu tố tiên lượng quan trọng cho thành công của một chu kỳ chuyển phôi. Tỷ lệ có thai tốt nhất khi người phụ nữ<30 tuổi, do đó thời gian kéo dài sẽ đồng nghĩa với việc cơ hội có thai giảm [2] (Không biết trì hoãn kéo dài 1 tháng hay 1 năm?). Cảm giác đi điều trị để “có con” và việc bị “dừng lại” làm ảnh hưởng đến tâm lý của những cặp vợ chồng đi điều trị, điều này có thể dẫn đến các vấn đề về trầm cảm- theo ý kiến của chuyên gia tâm lý Raymond-Toronto [9]
Đầu tiên là vấn đề của các cặp vợ chồng mong con rất dễ bị: căng thẳng (stress). Hiếm muộn có thể gây ra rất nhiều căng thẳng trong cuộc sống, đặc biệt là với những chị em đang chịu nhiều áp lực.
- Lo lắng về tiền bạc: Chi phí điều trị vô sinh là khá lớn. Đối với những bệnh nhân không có điều kiện chi trả cho điều trị, việc không thể điều trị có thể góp phần gây ra cảm giác bất lực và vô vọng.
- Lựa chọn điều trị: Các can thiệp vô sinh có thể giúp bệnh nhân trở thành cha mẹ. Đó có thể rất là điều rất vui mừng, nhưng đồng thời họ cũng phải học cách điều chỉnh vai trò và áp lực mới cả trong khi mang thai và sau khi sinh con.
- Kết quả điều trị: Việc điều trị thất bại có thể gây ra đau khổ, cảm giác bất lực và tuyệt vọng. Hầu hết các bệnh nhân rất khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mong muốn sinh con sang chấp nhận rằng họ sẽ phải theo đuổi việc nhận con nuôi hoặc là không có con.
Khi stress cơ thể tăng tiết các hormone corticoid, ACTH, β-endorphin và glucocorticoid gây ức chế trục hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng dẫn đến suy giảm chức năng sinh dục người nữ cụ thể: khô âm đạo, mất cân bằng pH âm đạo, giảm ham muốn, rối loạn rụng trứng. Đối với nam stress làm giảm sản xuất testosterone, giảm sản xuất và trưởng thành tinh trùng, rối loạn cương dương hoặc bất lực.
Theo nghiên cứu của Florina Haimovici (2018)[3], các cặp vợ chồng thực hiện IVF có tình trạng stress nhận thấy tăng cytokine trong huyết thanh, tinh dịch, cổ tử cung và dịch nang và họ sẽ gặp vấn đề mang thai và tăng tỷ lệ có kết cục thai kỳ xấu. Qua đó tác giả kết luận cần phải điều trị tâm lý trước khi tiến hành hỗ trợ sinh sản.
Có bao nhiêu cặp vợ chồng được nghỉ ngơi tại nhà sau bao năm phấn đấu vì “Cơm áo gạo tiền”?
Không đi làm, tránh được các cuộc nhậu nhẹt không đáng, tránh tiếp xúc với các hóa chất độc hại (tùy nơi), tránh tiếp xúc thường xuyên với từ trường, wifi, 4G, áp lực từ “sếp”…Các yếu tố này giảm thì chất lượng trứng và tinh trùng được cải thiện. Song song với giảm “chất độc” thì ở nhà được “ăn ngon ngủ kỷ” giúp cải thiện sức khỏe thể chất. Lưu ý, đừng “ăn no ngủ nhiều” dẫn đến béo phì là được.
Ở nhà để giảm stress, đó là điều tuyệt vời. Vậy chúng ta sẽ làm được gì?
- Thu xếp đồ đạc trong nhà, dọn dẹp sạch sẽ. Hãy làm mới không gian sống của bạn.
- Đọc sách: một hoạt động “tập tạ” cho não rất bổ ích. Cung cấp thêm kiến thức mới cho bản thân.
- Nấu ăn: hãy làm mỗi ngày 1 món cho gia đình, không quan trọng ngon hay dở mà là ai nấu cho bạn ăn. Vợ hay chồng điều tuyệt vời.
- SEX đều độ: theo khuyến cáo nên quan hệ vợ chồng cách ngày để làm tăng cơ hội có con. Ngoài ra Sex còn nhiều tác dụng khác như: (i) Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể: Đây là một lợi ích mà ít người biết. Khi “yêu” cơ thể sẽ sản sinh ra một loại kháng thể hỗ trợ miễn dịch rất hiệu quả, giúp tăng cường sức khỏe. (ii) Giảm stress: Mọi người thường chỉ nghĩ tới vấn đề quan hệ tình dục nhiều có tốt không mà không biết rằng việc làm “chuyện ấy” đều đặn cũng giảm căng thẳng hiệu quả. Tình dục không chỉ giúp cải thiện tâm trạng, giải tỏa ức chế mà còn làm con người vui vẻ hơn. (iii) Tăng tuần hoàn máu, thải độc cơ thể: Trong khi quan hệ, nhịp tim sẽ tăng nhanh làm tăng lưu thông máu. Nhờ đó giúp loại bỏ độc tố, giảm mệt mỏi hiệu quả. (iv) Duy trì vóc dáng: Quan hệ tình dục tiêu thụ nhiều năng lượng, nó được coi như sự tiêu hao lượng calo thừa, giảm số đo vòng eo cải thiện vóc dáng hiệu quả cho các chị em phụ nữ. (v) Một nghiên cứu dài hạn với 3.500 người trong độ tuổi từ 18 đến 102 của nhà thần kinh học lâm sàng David Weekks chỉ ra rằng, dựa trên xếp hạng vô tư của các bức ảnh của đối tượng, quan hệ tình dục thường xuyên giúp mọi người trông trẻ hơn so với tuổi [10].
- Cuối cùng là YOGA và THIỀN: một tác dụng tuyệt vời nếu được duy trì thường xuyên. Các tư thế Yoga và Thiền sẽ giúp máu huyết lưu thông tốt và tăng cường hệ miễn dịch, giúp giảm lo lắng, căng thẳng (Stress). Chỉ cần lên Google gõ: Yoga và Hiếm muộn thì sẽ có rất nhiều thông tin bổ ý cho các anh chị tham khảo. Các nghiên cứu gần đây cho thấy Yoga cải thiện khả tỷ lệ có thai với TTTON[2]; Giảm lo âu ở bệnh nhân vô sinh [4]; cải thiện sức khỏe sinh sản của nam giới.[1]
Tóm lại, thiên tai dịch bệnh sẽ luôn có ở một thời điểm nào đó và một nơi nào đó. Những điều bất lợi luôn tồn tại xung quanh chúng ta. Hãy vui và làm những việc có ích cho bản thân ngay khi có thể. Nếu đang mong chờ “thiên thần nhỏ” của gia đình thì hãy tìm cách giảm các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. Cải thiện lối sống làm giảm Stress và chuẩn bị thật chu đáo cho quá trình làm cha mẹ trong tương lai gần.
BS.CKI Dư Huỳnh Hồng Ngọc- IVF Phương Châu
Được đăng vào: Th4 16, 2020 @ 08:57
Mongcon.vn là chuyên trang cung cấp thông tin về điều trị hiếm muộn cho các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, được bảo trợ nội dung bởi Hội Bác Sĩ Gia Đình