BS. CKII. DƯ HUỲNH HỒNG NGỌC - BỆNH VIỆN QUỐC TẾ PHƯƠNG CHÂU
Đa nang buồng trứng thường gặp ở đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Nếu không nhận biết và điều trị sớm có thể dẫn đến khó có con. Bài viết sau đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Đa nang buồng trứng là gì?
Đa nang buồng trứng hay Hội chứng buồng trứng đa nang (tiếng Anh là Polycystic Ovary Syndrome – PCOS) là một dạng rối loạn nội tiết tố chiếm khoảng 27% ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản (15 - 44 tuổi). Hội chứng này bao gồm các triệu chứng như rối loạn chu kỳ kinh nguyệt, cường androgen (nội tiết tố nam), nhiều nang nhỏ bên trong buồng trứng. [1]
2. Dấu hiệu của đa nang buồng trứng
Một số phụ nữ mắc đa nang buồng trứng bắt đầu thấy các triệu chứng vào kỳ kinh đầu tiên. Những người khác chỉ phát hiện ra khi họ đã tăng cân nhiều hoặc họ gặp phải tình trạng hiếm muộn.
Đa nang buồng trứng tuy không gây nguy hiểm nhưng nó bao gồm nhiều triệu chứng gây ảnh hưởng cuộc sống người phụ nữ:
- Rối loạn chu kỳ kinh nguyệt. Sự thiếu rụng trứng sẽ ngăn không cho niêm mạc tử cung bong ra hàng tháng. Một số phụ nữ bị đa nang buồng trứng có ít hơn 8 kỳ kinh một năm hoặc không có kỳ kinh nào.
- Lượng máu kinh nhiều. Niêm mạc tử cung hình thành trong một thời gian dài, do đó, kỳ kinh nguyệt của bạn có thể nhiều hơn bình thường.
- Rậm lông. Hơn 70% phụ nữ bị tình trạng mọc lông trên mặt và cơ thể, bao gồm cả trên lưng, bụng và ngực [2]
- Mụn. Nội tiết tố nam có thể làm cho da tiết dầu hơn bình thường và gây ra mụn trên các vùng như mặt, ngực và lưng trên.
- Tăng cân. Có đến 80% phụ nữ bị PCOS bị thừa cân hoặc béo phì. [2]
- Hói đầu kiểu nam. Tóc trên da đầu mỏng hơn và có thể rụng.
- Sạm da. Các mảng da sẫm màu có thể hình thành thành các nếp nhăn trên cơ thể như ở cổ, ở bẹn và dưới vú.
- Nhức đầu. Sự thay đổi hormone có thể gây đau đầu ở một số phụ nữ
- Hình ảnh đa nang buồng trứng trên siêu âm
By Carmen Ochoa Marieta M.D., Ph.D., M.Sc. (gynecologist), Miguel Ángel Vincenti Bosco M.D. (gynecologist), Rebeca Reus BSc, MSc (embryologist), Zaira Salvador B.Sc., M.Sc. (embryologist) and Sandra Fernández B.A., M.A. (fertility counselor).
3. Đa nang buồng trứng có con được không?
Khoảng 70% - 80% phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang có vấn đề về khả năng sinh sản. Nguyên nhân là do họ có những chu kỳ không rụng trứng. Bên cạnh đó, rối loạn nội tiết của buồng trứng đa nang gây ảnh hưởng đến kết cục thai kỳ khi họ mang thai, bao gồm sẩy thai, sanh non, tăng huyết áp, đái tháo đường [3].
Tuy nhiên, phụ nữ bị đa nang buồng trứng có thể mang thai bằng cách sử dụng các phương pháp điều trị sinh sản giúp cải thiện quá trình rụng trứng. Giảm cân và giảm lượng đường trong máu có thể cải thiện cơ hội mang thai khỏe mạnh.
4. Điều trị đa nang buồng trứng
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị khỏi đa nang buồng trứng, do đó, việc điều trị và quản lý hội chứng này tuỳ thuộc vào mục tiêu đối tượng cần điều trị. Đối với phụ nữ đang gặp phải vấn đề hiếm muộn, điều trị bằng cách gây rụng trứng và giải quyết các vấn đề rối loạn nội tiết.
- Ưu tiên hàng đầu là duy trì trọng lượng cơ thể ở mức hợp lý và kiểm soát đường huyết ổn định. Bằng cách luyện tập thể dục thể thao, chế độ dinh dưỡng giảm tinh bột, tăng cường rau xanh và trái cây.
- Sử dụng thuốc kích thích buồng trứng như Letrozole, Clomiphene citrate, Gonadotropins
- Trường hợp các biện pháp trên không đạt hiệu quả thì điều trị hỗ trợ sinh sản là lựa chọn tối ưu. Người phụ nữ sẽ được kích thích buồng trứng, sau đó tiến hành bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc thụ tinh trong ống nghiệm. Điều trị bằng phương pháp nào còn tuỷ thuộc vào chất lượng tinh trùng của chồng.
Tóm lại, đa nang buồng trứng không gây nguy hiểm cho người phụ nữ và họ vẫn có khả năng làm mẹ. Phương pháp điều trị cho phụ nữ đa nang buồng trứng có thai còn phụ thuộc vào khả năng đáp ứng của họ và nguyên nhân hiếm muộn đi kèm của chồng. Vì vậy, vợ chồng bạn nên đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để được bác sĩ thăm khám và lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.
Tài liệu tham khảo
[1] Mark O. Goodarzi (2016). Genetics of Common Endocrine Disease: The Present and the Future. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, Volume 101, Issue 3, 1 March 2016, Pages 787–794, https://doi.org/10.1210/jc.2015-3640
[2] ACOG (2021) Polycystic Ovary Syndrome (PCOS)
[3] Stefano Palomba (2015). Pregnancy complications in women with polycystic ovary syndrome. Human Reproduction Update, Volume 21, Issue 5, Pages 575–592, https://doi.org/10.1093/humupd/dmv029