1. Dấu hiệu vô sinh nữ giới
Dấu hiệu vô sinh rõ ràng nhất là khi người phụ nữ không thể có thai mặc dù quan hệ tình dục thường xuyên không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào từ 12 tháng trở lên. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian này là 6 tháng.
- Khi một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt (hàng tháng) đều đặn, bất kỳ thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt đều có thể cho thấy có vấn đề.
- Nếu chu kỳ kinh nguyệt ít đều hơn, kinh thưa hoặc không có kinh thì có thể có vấn đề với quá trình rụng trứng. Ví dụ: chu kì kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc kéo dài hơn 35 ngày.
- Kinh nguyệt nhiều hoặc đau nhiều khi hành kinh, có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
- Đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc lạc nội mạc tử cung. Đây là những dấu hiệu cảnh báo khiến bạn nên đi khám hiếm muộn sớm hơn.
2. Yếu tố nguy cơ làm tăng vô sinh ở nữ giới
Một số yếu tố dẫn đến nguy cơ vô sinh nữ cao hơn, bao gồm:
2.1. Tuổi
Khả năng sinh sản của người phụ nữ bắt đầu giảm từ độ tuổi 30, với sự giảm rõ rệt sau 35 tuổi. Khả năng sinh sản của người phụ nữ sẽ tiếp tục giảm hàng năm, cho dù bạn sức khỏe tốt hay không vì số lượng và chất lượng của trứng giảm dần theo tuổi. Ngay cả khi một người phụ nữ không rụng trứng (ví dụ đang uống thuốc tránh thai hoặc đang mang thai), số lượng trứng vẫn tiếp tục giảm với tốc độ như nhau. Tốc độ giảm khả năng sinh sản nhanh hay chậm sẽ phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố di truyền và lối sống (ví dụ như hút thuốc).
2.2. Hút thuốc lá
Làm lão hóa buồng trứng và làm cạn kiệt trứng của bạn sớm hơn dẫn đến tăng nguy cơ vô sinh và sảy thai. Do đó, bạn cần ngừng hút thuốc trước khi bắt đầu điều trị hỗ trợ sinh sản.
2.3. Rượu, bia
Phụ nữ nên tiêu thụ rượu ở mức độ vừa phải, không quá một ly rượu mỗi ngày. Theo nhiều nghiên cứu, phụ nữ uống 3 ly rượu mỗi ngày thường khó có con vì sẽ gây rối loạn kinh nguyệt, làm giảm khả năng rụng trứng và chất lượng trứng.
2.4. Cân nặng
Thừa cân hoặc thiếu cân cũng đều có thể ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng bình thường. Chỉ số khối cơ thể khỏe mạnh (BMI) có thể làm tăng tần suất rụng trứng và khả năng mang thai. Bạn nên tham khảo công thức tính chỉ số khối cơ thể (BMI-Body mass Index: là chỉ số được tính từ chiều cao (mét) và cân nặng (kilogram). Cách tính: BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)2]. Chỉ số BMI tối ưu trước khi mang thai là từ 18.5-22.9.
2.5. Tiền sử tình dục
Bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như chlamydia và lậu có thể làm tắc vòi trứng. Việc quan hệ tình dục không an toàn với nhiều bạn tình làm tăng nguy cơ nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục và có thể gây ra các vấn đề về sinh sản sau này.
3. Nguyên nhân gây vô sinh nữ
3.1. Rối loạn rụng trứng
Rối loạn phóng noãn chiếm 25%: Rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các trường hợp vô sinh. Các vấn đề liên quan sự điều hòa của hormone sinh sản ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên hoặc các vấn đề trong buồng trứng, có thể gây ra rối loạn rụng trứng.
3.2. Tổn thương ống dẫn trứng
Ống dẫn trứng có vai trò vận chuyển trứng và tinh trùng, vận chuyển phôi đang phân chia vào buồng tử cung. Các bệnh lý ống dẫn trứng làm giảm khả năng thụ tinh, thụ thai và làm tổ bất thường (thai ngoài tử cung)
3.3 Lạc nội mạc tử cung (LNMTC)
LNMTC xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc tử cung phát triển ngay trong tử cung hoặc ở những nơi khác, có thể là ổ bụng hoặc buồng trứng. LNMTC gặp ở 70% phụ nữ có triệu chứng đau vùng chậu đơn độc và gần 85% phụ nữ vô sinh kèm đau vùng chậu. LNMC gây ảnh hưởng khả năng sinh sản do gây biến dạng vị trí giải phẫu buồng trứng, vòi tử cung và vị trí tử cung do dính. Nó còn gây ảnh hưởng đến sự tiếp nhận trứng của loa vòi và thay đổi sự tiếp nhận của nội mạc tử cung.
3.4. Nguyên nhân do tử cung hoặc cổ tử cung
Tử cung đóng vai trò cung cấp môi trường thích hợp cho việc vận chuyển tinh trùng, phát triển phôi trước khi làm tổ và mang thai. Những bất thường tử cung gây giảm khả năng làm tổ, mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai. Một số nguyên nhân thường gặp như: U xơ tử cung đặc biệt u xơ dưới niêm mạc, polyp buồng tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung (tử cung có vách ngăn, tử cung hai sừng. Các tổn thương ở cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (khoét chóp, đốt điện, điều trị loạn sản cổ tử cung) cũng có thể gây vô sinh.
3.5. Vô sinh không rõ nguyên nhân
Khoảng 10% vô sinh là không rõ nguyên nhân sau khi khảo sát cả hai vợ chồng nhưng không xác định được căn nguyên rõ ràng. Điều này có thể do sự kết hợp của một số yếu tố ở cả hai vợ chồng gây ra các vấn đề sinh sản mà các thăm dò cơ bản không thể giải thích được.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. World Health Organization. Infertility. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/infertility. Accessed April 2023
2. National Institute for Health and Care Excellence (NICE). Fertility problems: assessment and treatment. 2017. Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/cg156/chapter/context. Accessed November 2022
3. US Department of Health & Human Services. Female Infertility. Available at: https://www.hhs.gov/opa/reproductive-health/female-infertility/index.html. Accessed November 2022.
4. ACOG. Having a Baby After Age 35: How Aging Affects Fertility and Pregnancy. 2022. Available at: https://www.acog.org/womens-health/faqs/having-a-baby-after-age-35-how-aging-affects-fertility-and-pregnancy. Accessed November 2022