Điều trị hiếm muộn cho nam giới

HIỂU BIẾT VỀ KHẢ NĂNG SINH SẢN

 
Hiếm muộn có thể do nhiều nguyên nhân gây ra ở cả nam và nữ. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ phương pháp điều trị nào thích hợp cho mình.
  •  
  •  
  •  
  •  
Có các phương pháp điều trị nào?

Các phương pháp điều trị hiếm muộn cho nam giới bao gồm:

  • Điều trị nội tiết
  • Phẫu thuật
  • Phẫu thuật trích xuất tinh trùng
  • Hỗ trợ sinh sản và sử dụng tinh trùng từ người hiến
  • Điều trị bằng nội tiết

    Khi nào? Mặc dù mất cân bằng nội tiết thường gặp hơn ở phụ nữ, điều trị bằng nội tiết cũng có thể được sử dụng ở nam giới có nồng độ testosterone thấp hoặc hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

    Như thế nào? Điều trị bằng nội tiết gồm tiêm thuốc đều đặn, như gonadotropins, để kích thích tinh hoàn sản xuất testosterone và tinh trùng.

  • Phẫu thuật

    Nếu hiếm muộn là do tắc nghẽn hoặc bất thường chức năng, như thắt ống dẫn tinh trước đó hoặc giãn tĩnh mạch thừng tinh[2], bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ chỗ tắc nghẽn thông qua một phẫu thuật nhỏ. Sau thủ thuật, một số nam giới vẫn cần điều trị bổ trợ để dễ có thai hơn[2,3]

  • Phẫu thuật giãn tĩnh mạch thừng tinh

    Khi nào? Giãn tĩnh mạch thừng tinh là sự giãn lớn của các tĩnh mạch xung quanh vùng bìu, điều này được cho là nguyên nhân khiến tinh hoàn bị nóng hơn và làm giảm sự sản xuất tinh trùng.

    Như thế nào? Để điều trị giãn tĩnh mạch thừng tinh, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật cột tĩnh mạch giãn dưới sự hỗ trợ của gây mê toàn thân, nhằm làm tắc nghẽn tĩnh mạch đó và định hướng lại dòng máu tuần hoàn.

  • Nối ống dẫn tinh

    Khi nào? Một số nam giới bị hiếm muộn do thực hiện phẫu thuật thắt ống dẫn tinh trước đó[3] .

    Như thế nào? Thắt ống dẫn tinh có thể được phục hồi bằng phẫu thuật. Bác sĩ của bạn sẽ sửa chữa đoạn ống dẫn tinh đã được thắt; tuy nhiên, có thể mất đến hai năm thì khả năng sinh sản mới hồi phục[3]. Bạn sẽ được theo dõi bằng cách xét nghiệm định kỳ để đánh giá tình trạng cải thiện của tinh trùng.

    Thành công của thủ thuật này tuỳ thuộc vào thời gian bạn đã thắt ống dẫn tinh. Nếu đã thực hiện trên 10 năm, thì cơ hội xuất hiện tinh trùng trong tinh dịch rất thấp[4].

Phẫu thuật trích xuất tinh trùng

Nếu không có tinh trùng trong tinh dịch, do tắc nghẽn đường dẫn tinh hoặc rối loạn xuất tinh, bác sĩ sẽ tiến hành lấy tinh trùng trực tiếp từ ống sinh tinh hoặc mô tinh hoàn bằng cách phẫu thuật.[5] Tinh trùng có khả năng sống sau phẫu thuật chỉ có thể được sử dụng trong hỗ trợ sinh sản, chứ không sử dụng được để bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Có bốn loại phẫu thuật được mô tả chi tiết như sau.

  • Chọc hút tinh trùng từ tinh hoàn (TESA)

    Khi nào? TESA có thể được thực hiện khi không có tinh trùng trong tinh dịch

    Như thế nào? Bác sĩ sẽ dùng một kim nhỏ đâm xuyên qua vùng bìu vào tinh hoàn dưới gây mê. Họ sẽ hút mô tinh hoàn, sau đó tìm tách tinh trùng từ mô này. Thủ thuật này có thể được lặp lại một số lần ở các vùng khác nhau của tinh hoàn. Mặc dù thực hiện khá đơn giản, thủ thuật này không giúp cung cấp nhiều tinh trùng. 

     

    Mongcon.vn

  • Chọc hút tinh trùng từ mào tinh qua da (PESA)

    Khi nào? PESA được thực hiện khi ống dẫn tinh bị tắc nghẽn

    Như thế nào? Bác sĩ dùng một kim có gắn xi lanh đâm vào mào tinh bằng cách gây tê tại chỗ. Sau đó họ nhẹ nhàng hút dịch chứa tinh trùng từ mào tinh.

     

    Mongcon.vn

     

  • Lấy tinh trùng từ mào tinh bằng vi phẫu thuật (MESA) (MESA)

    Khi nào? MESA được thực hiện khi PESA không có hiệu quả

    Như thế nào? Bác sĩ sẽ sử dụng kính hiển vi để định vị các ống trong mào tinh, sau đó đâm kim vào các ống này để hút dịch chứa tinh trùng. Bệnh nhân được gây mê.

     

    Mongcon.vn

     

  • Phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn (TESE)

    Khi nào?TESE là phẫu thuật lấy tinh trùng từ tinh hoàn  Thủ thuật này được thực hiện khi không tìm thấy tinh trùng từ mào tinh hoặc không tìm thấy mào tinh sau khi thực hiện thắt ống dẫn tinh.

    Như thế nào? Bác sĩ rạch một đường nhỏ để bộc lộ các mô trong tinh hoàn. Sau đó họ sẽ lấy một mẫu mô tinh hoàn để tìm tinh trùng.

     

    Mongcon.vn

     

Kích thích rung và kích thích điện

Khi nào? Được thực hiện khi người nam bị chấn thương tuỷ sống, rối loạn thần kinh hoặc khó xuất tinh.

Như thế nào?

  • Kích thích rung — Một máy rung được sử dụng trực tiếp lên dương vật để kích thích xuất tinh
  • Kích thích điện — Một đầu dò được đặt vào trực tràng để kích thích các dây thần kinh chậu và kích thích xuất tinh
Hỗ trợ sinh sản và sử dụng tinh trùng hiến

Khi nào? Khi không có tinh trùng sau khi thực hiện các phẫu thuật hoặc kỹ thuật kích thích kể trên.[5]

Như thế nào? Trong trường hợp này, nếu quy định và hệ thống chăm sóc sức khoẻ của vùng/quốc gia cho phép, bạn có thể sử dụng tinh trùng hiến tặng và thực hiện kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

Các phương pháp hỗ trợ sinh sản như  thụ tinh trong ống nghiệm hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn cũng có thể thích hợp nếu bạn có vấn đề về sinh tinh, tắc nghẽn hoặc rối loạn chức năng hoặc hiếm muộn không rõ nguyên nhân.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Tadros N and Sabanegh E. Indian J Urol 2017;33(3):194–198.
  2. Kroese A, et al. Cochrane Database Syst Rev 2012;10:CD000479.
  3. Schwarzer J and Steinfatt H. Nat Rev Urol 2013;10(4):195–205.
  4. Herrel L, et al. Urology 2015;85(4):819–825.
  5. European Association of Urology (EAU). Guidelines on Male Infertility 2015. Available at: uroweb.org/wp-content/uploads/17-Male-Infertility_LR1.pdf. Accessed: January 2018.
  6. Shah R. Indian J Urol 2011;27(1):102–109.
  7. Speroff L, et al. Chapter 29. Male infertility. In: Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility. 6th ed. Lippincott Williams & Wilkins; 1999:452–459.

Điều trị hiếm muộn cho nam giới

Điều trị hiếm muộn cho nam giới