Dự trữ buồng trứng thấp

Bs Võ Văn Cường, IVFMD FAMILY, Bệnh viện Đa khoa Gia Đình

Dự trữ buồng trứng thấp là gì ?

 

Dự trữ buồng trứng là một chỉ số biểu hiện khả năng sinh sản ở người phụ nữ thông qua số lượng nang trứng còn lại của buồng trứng. Giảm dự trữ buồng trứng (diminished ovarian reserve – DOR) là tình trạng suy giảm số lượng trứng và chất lượng trứng không hồi phục, có thể do yếu tố tuổi, di truyền, thuốc, điều trị phẫu thuật và môi trường.

 

Phụ nữ có giảm dự trữ buồng trứng liên quan đến ít đáp ứng với kích thích buồng trứng, tỉ lệ ngưng chu kì cao, và tỉ lệ trẻ sinh sống thấp khi thực hiện hỗ trợ sinh sản. Giá trị của giảm dự trữ buồng trứng thông qua sự giảm của các chỉ số biểu hiện dự trữ buồng trứng như số lượng nang trứng đầu chu kì (AFC) hoặc AMH.

 

Biểu hiện lâm sàng

Phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp thường không có triệu chứng lâm sàng đặc biệt. Một số trường hợp có thể kinh nguyệt không đều hoặc có các biểu hiện của các bệnh lý phụ khoa kèm theo như đau bụng khi hành kinh trong lạc nội mạc tử cung, chèn ép căng tức bụng ở những trường hợp có u nang buồng trứng.

 

Mongcon.vn

 

Khi thực hiện điều trị mong con, phụ nữ có dự trữ buồng trứng thấp thường có hiệu quả điều trị thấp hơn so với những trường hợp có dự trữ buồng trứng nằm trong giới hạn bình thường.

 

Tiêu chuẩn chẩn đoán

Giảm dự trữ buồng trứng được phát hiện thông qua các xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng như siêu âm đếm nang noãn đầu chu kì kinh AFC < 7 nang hoặc xét nghiệm máu định lượng nồng độ AMH <1.1 ng/ml.

 

Điều trị ở những trường hợp giảm dự trữ buồng trứng

 

Những trường hợp hợp có giảm dự trữ buồng trứng cần có kế hoạch mang thai để tránh những ảnh hưởng bất lợi theo thời gian của giảm dự trữ buồng trứng lên quá trình điều trị.

 

Trong tình huống điều trị mong con, cần có những phác đồ phù hợp để tối ưu hóa hiệu quả điều trị, tuy nhiên vẫn thấp hơn so với nhóm có dự trữ buồng trứng trong giới hạn bình thường.

 

Hiện tại không có thuốc hoặc thực phẩm đặc biệt có thể làm gia tăng dự trữ buồng trứng. Tuy nhiên, để hỗ trợ khả năng sinh sản, cần chế độ ăn lành mạnh, hạn chế các chất kích thích, thành phần nhiều rau xanh, trái cây, hải sản, vận động thể dục, thể thao, tránh căng thẳng và stress.

 

Những điều nên làm để tránh ảnh hưởng của giảm dự trữ buồng trứng lên khả năng sinh sản

 

Trong trường hợp giảm dự trữ buồng trứng do yếu tố độ tuổi, có thể cân nhắc trữ trứng xã hội để bảo tồn khả năng sinh sản nếu chưa có dự định có thai trong thời điểm hiện tại. Một số bệnh lý di truyền như hội chứng Turner có thể cân nhắc trữ trứng hoặc mô buồng trứng để hạn chế ảnh hưởng của bất thường di truyền lên dự trữ buồng trứng ở độ tuổi trước hoặc sau dậy thì.

 

Mongcon.vn


Hình ảnh: Hội chứng Turner

 

Trường hợp do bệnh lý phụ khoa như lạc nội mạc tử cung buồng trứng, u nang buồng trứng khả năng lành tính, nên tránh các phẫu thuật không cần thiết để dự phòng giảm dự trữ buồng trứng do phẫu thuật.

 

Bên cạnh đó, cần đi khám phụ khoa, kiểm tra khả năng sinh sản định kì, để phát hiện các bệnh lý, yếu tố nguy cơ gây giảm nhanh dự trữ buồng trứng nhằm có kế hoạch can thiệp kịp thời. Một chế độ ăn giàu dinh dưỡng, rau xanh, trái cây, sinh hoạt lành mạnh, tránh tiêu thụ nhiều rượu bia, chất kích thích, khói thuốc lá, tăng cường vận động sẽ góp phần cải thiện sức khỏe sinh sản.

 

Kết luận

Giảm dự trữ buồng trứng có thể do độ tuổi, phẫu thuật, bệnh lý phụ khoa hoặc di truyền. Những xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng làm siêu âm đếm nang noãn đầu chu kì kinh hoặc AMH. Cần có những can thiệp tích cực để điều trị mong con ở những trường hợp có giảm dự trữ buồng trứng. Bên cạnh đó, các trường hợp có thể phòng ngừa giảm dự trữ buồng trứng như tránh các phẫu thuật không cần thiết ở buồng trứng, trữ trứng xã hội, trữ trứng, trữ mô buồng trứng ở những trường hợp chuẩn bị hóa, xạ trị hoặc có bệnh lý di truyền có nguy cơ giảm dự trữ buồng trứng.

 

Tài liệu tham khảo

  1. Testing and interpreting measures of ovarian reserve: a committee opinion. Fertility and Sterility. 2020;114(6):1151–7
  2. Egbert R te Velde, Peter L Pearson. The variability of female reproductive ageing. Hum Reprod Update. 2002;8(2):141–54

Dự trữ buồng trứng thấp