Hiếm muộn là một vấn đề sức khỏe toàn cầu ảnh hưởng đến hàng triệu người trong độ tuổi sinh sản. Ước tính có 8 đến 12% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản gặp vấn đề hiếm muộn. Dữ liệu hiện tại cho thấy có khoảng 48 triệu cặp vợ chồng và 186 triệu người hiếm muộn trên toàn cầu. Hiện nay, hiếm muộn trở thành vấn đề sức khỏe thứ 3 của thế kỉ 21 chỉ sau ung thư và bệnh tim mạch. Nguyên nhân hiếm muộn có thể đến từ người vợ hoặc người chồng, tuy nhiên có khoảng 10% là không rõ nguyên nhân. Vì thế, các phương pháp điều trị hiếm muộn ngày càng được chú trọng phát triển mở ra nhiều cơ hội cho các cặp vợ chồng mong con.
1. Hiếm muộn là gì?
Hiếm muộn được xác định khi hai vợ chồng giao hợp đều đặn, không sử dụng các biện pháp tránh thai, sau 6 tháng (đối với vợ từ trên 35 tuổi) hoặc 12 tháng (đối với vợ dưới 35 tuổi) mà chưa thụ thai tự nhiên. Có hai loại hiếm muộn: hiếm muộn nguyên phát (người vợ chưa mang thai lần nào) và hiếm muộn thứ phát (người vợ có ít nhất một lần mang thai).
2. Nguyên nhân hiếm muộn
Một số nguyên nhân hiếm muộn ở nữ giới
- Rối loạn phóng noãn: thường được thể hiện bằng chu kỳ kinh nguyệt không đều (<21 ngày hoặc >35 ngày). Một số bệnh lý gây rối loạn phóng noãn như: suy sinh dục, tăng prolactin máu, suy buồng trứng sớm, bệnh lý tuyến giáp, bệnh lý gan thận,…
- Nguyên nhân từ vòi trứng, phúc mạc như tắc ống dẫn trứng; nhiễm trùng, viêm phúc mạc ruột thừa, viêm vùng chậu,… Các tình trạng này ảnh hưởng đến sự di chuyển của tinh trùng tới trứng, sự thu nhận trứng của vòi trứng cũng như vận chuyển phôi đã thụ tinh vào buồng tử cung.
- Nguyên nhân từ tử cung như dị dạng tử cung, u xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung trong cơ, Hội chứng Asherman. Những bất thường từ tử cung thường dẫn đến nguy cơ giảm khả năng thụ thai, tăng nguy cơ sẩy thai, sinh non,…
- Chưa rõ nguyên nhân.
Một số nguyên nhân hiếm muộn ở nam giới
- Rối loạn chức năng tình dục: xuất tinh ngược dòng, giảm ham muốn.
- Rối loạn nội tiết: Hội chứng Kallmann gây rối loạn chức năng hạ đồi, thiểu năng sinh dục. Ngoài ra, điều trị ung thư, xạ trị, phẫu thuật có thể gây suy tuyến yên, làm giảm hormone sinh dục nam. Việc sử dụng Androgen không đúng cách cũng gây rối loạn nội tiết ở nam giới.
- Bất thường giải phẫu như bất sản ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh hoặc bất thường bẩm sinh túi tinh.
- Bất thường trong việc sinh tinh: Một số bệnh lý bẩm sinh hoặc mắc phải gây ảnh hưởng chức năng sản xuất tinh trùng như viêm tinh hoàn do quai bị, tinh hoàn lạc chỗ, giãn tĩnh mạch thừng tinh.
- Một số bất thường liên quan tinh trùng như tinh trùng không có đuôi, kháng thể kháng tinh trùng cũng gây bất lợi trong việc tinh trùng di chuyển đến trứng.
3. Chẩn đoán hiếm muộn
Lâm sàng
- Bác sĩ khai thác các thông tin về tiền sử, bệnh sử như chu kỳ kinh, các biện pháp tránh thai, số lần mang thai, sẩy thai, phẫu thuật, lối sống,…
- Khám vợ tìm các triệu chứng cường Androgen, tuyến giáp, tuyến vú, khám phụ khoa. Khám chồng qua khảo sát dáng đi, sự cân đối của cơ thể, cơ quan sinh dục nam,…
Cận lâm sàng
- Xét nghiệm thường quy
- Vợ: HIV, HBsAg, giang mai, tầm soát ung thư cổ tử cung, siêu âm phụ khoa
- Chồng: HIV, HBsAg, giang mai, tinh dịch đồ. Xét nghiệm FSH, nhiễm sắc thể đồ nếu tinh dịch đồ bất thường.
- Xét nghiệm chọn lọc
- Định lượng nội tiết FSH, LH, estradiol, progesterone, AMH
- Hormon tuyến giáp: FT3, FT4, TSH
- Chụp cản quang tử cung – vòi trứng (HSG)
- Nội soi buồng tử cung, ổ bụng
4. Phương pháp điều trị hiếm muộn
- Giao hợp tự nhiên. Phương pháp điều trị hiếm muộn này thường áp dụng cho các trường hợp hiếm muộn không rõ nguyên nhân, trẻ tuổi, thời gian mong con ngắn. Bác sĩ sẽ hướng dẫn “Cửa sổ thụ thai” (khoảng thời gian giao hợp có xác suất thụ thai cao nhất), chế độ ăn uống, sinh hoạt để tăng khả năng thụ thai. Nếu sau 6-12 chu kỳ không hiệu quả có thể can thiệp bằng kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào buồng tử cung.
- Bơm tinh trùng vào buồng tử cung (Intrauterine insemination - IUI). Đây là kĩ thuật đưa tinh trùng sau khi được lọc rửa bơm trực tiếp vào buồng tử cung. Phương pháp này giúp đưa những tinh trùng có độ di động tốt đến gần với trứng hơn từ đó tăng tỉ lệ đậu thai.
- Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại có thể kể đến như: Thụ tinh trong ống nghiệm (In-vitro Fertilization – IVF), Tiêm tinh trùng vào bào tương trứng (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI), Trưởng thành trứng trong ống nghiệm (Invitro Maturation of Oocytes - IVM), Thụ tinh trong ống nghiệm xin trứng (hoặc xin tinh trùng), trữ lạnh trứng – tinh trùng – phôi, chuyển phôi trữ,…Các phương pháp này được áp dụng cho các trường hợp tắc ống dẫn trứng 2 bên, bất thường thụ tinh, tinh trùng chồng bất thường nặng, không có tinh trùng trong tinh dịch,…
Tóm lại, hiếm muộn đang trở thành một vấn đề phổ biến trong xã hội hiện đại. Hiếm muộn có nhiều nguyên nhân gây ra. Vì thế, các cặp vợ chồng mong con nên đến bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và đưa ra phương pháp điều trị vô sinh hiếm muộn phù hợp.
Tài liệu tham khảo
- Danhof, N. A., et al. "IUI for unexplained infertility—a network meta-analysis." Human Reproduction Update 26.1 (2020): 1-15.
- Elizabeth J. Klein, Roxanne Vrees, Gary N. Frishman, Female Infertility, Clinical Reproductive Medicine and Surgery, 10.1007/978-3-030-99596-6, (281-301), (2022).
- Laura Lotz, Anna Dietl, Inge Hoffmann, Anrdreas Müller, Stefanie Burghaus, Matthias Wilhelm Beckmann, Ralf Dittrich, Endometriosis in women undergoing ovarian tissue transplantation due to premature menopause after gonadotoxic treatment or spontaneous premature ovarian failure, Acta Obstetricia et Gynecologica Scandinavica, 10.1111/aogs.14374, 101, 7, (771-778), (2022).
- Mascarenhas MN, Flaxman SR, Boerma T, et al. National, regional, and global trends in infertility prevalence since 1990: a systematic analysis of 277 health surveys. PLoS Med. 2012;9:e1001356.
- Omar Shebl, Carla Tomassetti, Endometriosis in Reproductive Years: Fertility, Endometriosis and Adenomyosis, 10.1007/978-3-030-97236-3, (179-186), (2022).
- World Health Organization (WHO). International Classification of Diseases, 11th Revision (ICD-11) Geneva: WHO 2018.