IUI và IVF là các thuật ngữ về phương pháp điều trị hỗ trợ sinh sản dành cho các cặp vợ chồng hiếm muộn. Mặc dù khác nhau cả về đối tượng áp dụng và quy trình thực hiện, cho đến nay, nhiều người vẫn còn nhầm lẫn về 2 phương pháp này.
1. IUI và IVF là gì?
IUI (Intrauterine Insemination – Bơm tinh trùng vào buồng tử cung) là phương pháp thụ tinh nhân tạo, trong đó, tinh trùng của người chồng sau khi lọc rửa để đạt chất lượng tốt nhất, cô đặc trong một thể tích nhỏ được bơm trực tiếp vào buồng tử cung để giảm đi các ảnh hưởng có hại lên tinh trùng như pH acid của âm đạo, các bất thường tại cổ tử cung,…
IVF (In Vitro Fertilization – Thụ tinh trong ống nghiệm) là phương pháp hỗ trợ sinh sản hiện đại nhất hiện nay. Trong đó, trứng của người vợ và tinh trùng của người chồng sẽ được cho thụ tinh bên ngoài cơ thể, trong môi trường phù hợp. Sau 3-5 ngày nuôi cấy, phôi tốt sẽ có thể được cấy vào buồng tử cung của người vợ để mang thai.
2. Đối tượng áp dụng
2.1. Đối với IUI
- Vô sinh không rõ nguyên nhân (là đối tượng thường được tư vấn IUI nhiều nhất)
- Bất thường tinh trùng mức độ nhẹ.
- Rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược dòng, lỗ tiểu đóng thấp.
- Rối loạn phóng noãn như: Hội chứng buồng trứng đa nang, tăng prolactin máu,…
- Bệnh lý tại cổ tử cung: polype, chất nhầy không thuận lợi, cổ tử cung chít hẹp do đốt điện, đốt lạnh, viêm cổ tử cung mạn tính,…
- Yếu tố miễn dịch: kháng thể kháng tinh trùng trong huyết thanh hay cổ tử cung.
2.2. Đối với IVF
Nguyên nhân người vợ:
- Hội chứng buồng trứng đa nang
- Giảm dự trữ buồng trứng
- U xơ tử cung, lạc nội mạc tử cung
- Dị dạng buồng tử cung: tử cung đôi, vách ngăn tử cung,…
- Bệnh lý gây tắc, dãn, ứ dịch vòi tử cung làm mất chức năng của vòi tử cung.
Nguyên nhân người chồng:
- Bất thường tinh trùng nặng
- Vô tinh.
- Rối loạn xuất tinh, xuất tinh ngược dòng
- Rối loạn cương dương
Nguyên nhân khác:
- Gia đình có bệnh lý di truyền
- Chuẩn bị điều trị xạ trị do ung thư
- Vợ lớn tuổi, thời gian mong con kéo dài
3. Quy trình thực hiện
Sau khi đã thăm khám về chức năng sinh sản của cả hai vợ chồng, bác sĩ sẽ tư vấn để đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.
3.1. Phương pháp IUI
Sau khi người vợ có từ 1-2 trứng trưởng thành (có thể là trứng tự nhiên hoặc kích thích bằng thuốc với liều nhẹ), bác sĩ sẽ kê đơn thuốc tiêm rụng trứng và hẹn ngày để thực hiện IUI. Vào ngày được hẹn, người chồng sẽ đến xuất mẫu tinh trùng.
Mẫu tinh trùng được lọc rửa qua nhiều bước để thu thập những tinh trùng di động tốt, tăng cơ hội gặp trứng để thụ tinh. Sau đó, bác sĩ sẽ bơm số tinh trùng này vào tử cung của người vợ. Sau IUI khoảng 2 tuần, người vợ sẽ được hẹn thử thai.
3.2. Phương pháp IVF
Không như IUI, số lượng trứng IVF rất quan trọng. Do vậy, bệnh nhân sẽ được kích trứng bằng thuốc tiêm liên tục từ 8-10 ngày. Khi trứng đã đạt kích thước mong muốn sẽ tiến hành lấy trứng bằng chọc hút qua đường âm đạo dưới hướng dẫn siêu âm.
Sau đó, phòng lab sẽ cho trứng thụ tinh với tinh trùng của người chồng và nuôi cấy trong điều kiện phù hợp. Kết quả nuôi cấy phôi (bao gồm số lượng và chất lượng phôi) sẽ được bác sĩ thông báo cho hai vợ chồng sau khi chọc hút trứng từ 3-5 ngày. Vào chu kỳ kinh nguyệt tiếp theo, phôi có chất lượng tốt sẽ được cấy vào buồng tử cung của người vợ. Quá trình mang thai diễn ra như bình thường.
4. Ưu và nhược điểm của 2 phương pháp
4.1. Phương pháp IUI
Ưu điểm:
- Theo dõi đơn giản, dễ thực hiện.
- Là kỹ thuật không xâm lấn, an toàn cho bệnh nhân.
- Chi phí điều trị thấp.
- Có thể áp dụng tại rộng rãi trong hầu hết các trung tâm điều trị hỗ trợ sinh sản.
Nhược điểm:
- Nguy cơ đa thai
- Không thể sàng lọc được các bệnh lý di truyền
4.2. Phương pháp IVF
Ưu điểm:
- Tỷ lệ thành công cao nhất trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản
- Có thể sàng lọc được bệnh lý di truyền, bất thường nhiễm sắc thể, qua đó lựa chọn phôi khoẻ mạnh để mang thai.
Nhược điểm:
- Đắt tiền
- Là kỹ thuật xâm lấn, có thể gây áp lực cho cơ thể
- Tăng nguy cơ quá kích buồng trứng
- Tăng nguy cơ đa thai (song thai, tam thai,…) nếu cấy từ 2 phôi trở lên.
5. Tỷ lệ thành công khi thực hiện IUI và IVF
Tỷ lệ thành công sau điều trị vô sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi của vợ, mức độ nặng của vô sinh, do vậy rất khó để xác định.
Đối với phương pháp IUI, tỷ lệ thành công trong lần thực hiện đầu tiên ước tính khoảng 15-20% và tăng lên trong các chu kỳ tiếp theo. Sau chu kỳ IUI lần thứ 5, kết quả hầu như không được cải thiện, việc tiếp tục IUI có thể được bác sĩ xem xét lại.
Đối với phương pháp IVF, ngoại trừ trường hợp không có phôi để cấy, tỷ lệ thành công có thể đạt tới 40-60% mỗi chu kỳ cấy phôi. Tuy nhiên, độ tuổi càng lớn, tỷ lệ thành công sẽ càng giảm.
6. Làm sao để biết mình nên thực hiện IUI hay IVF?
Để có thể lựa chọn điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI hay IVF, bệnh nhân cần được thăm khám về chức năng sinh sản của cả hai vợ và chồng. Khi đã có đầy đủ kết quả cần thiết, dựa vào nguyên nhân vô sinh và các yếu tố như độ tuổi người vợ, thời gian mong con hay nguyện vọng cá nhân mà bác sĩ sẽ tư vấn phương pháp điều trị phù hợp.
Vì nguyên nhân vô sinh khá phức tạp, do vậy, việc lựa chọn Trung tâm Hỗ trợ sinh sản uy tín và nhiều kinh nghiệm là điều vô cùng quan trọng để có thể yên tâm điều trị, tránh những tai biến không đáng có.