THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM
“Kích thích buồng trứng” là cụm từ phổ biến mà các mom sẽ gặp khi điều trị hỗ trợ sinh sản. Hãy cùng mongcon.vn tìm hiểu về các giai đoạn phát triển nang noãn của buồng trứng để xem “kích thích buồng trứng” tác động ở giai đoạn nào và ảnh hưởng như thế nào các mom nhé!
1. Trong buồng trứng có một cái kho chứa các "nang noãn nguyên thuỷ", trong bài viết này, tạm ví kho này như một ngân hàng. Ngân hàng này suy giảm dần theo thời gian, các nang noãn nguyên thuỷ cứ vơi dần theo từng đợt “xuất kho” mà không được tái sản xuất để bù vào kho. Buồng trứng có các cơ chế điều tiết độc lập, rất khó can thiệp.
2. Một cơ chế, đến nay vẫn chưa được biết rõ, điều tiết việc "xuất kho" các đợt nang noãn nguyên thuỷ thường xuyên. "Ngân hàng" còn nhiều xuất nhiều, "ngân hàng" suy giảm thì xuất ít lại. Mỗi đợt có thể có 500-1000 nang noãn xuất kho. Thuốc kích thích buồng trứng (KTBT) không can thiệp được vào cơ chế và số lượng nang noãn nguyên thuỷ xuất kho mỗi đợt.
3. Các nhóm nang noãn nguyên thuỷ được "xuất kho" thường xuyên và lớn lên, tuy nhiên các nang noãn này bị thoái hoá và mất đi rất nhiều trong quá trình lớn lên. Trong giai đoạn khoảng 3 tháng đầu, các nang noãn này rất nhỏ, không thể thấy trên siêu âm. Thuốc KTBT (FSH) cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của các nang noãn giai đoạn này.
4. Khi đến giai đoạn cuối của các nang noãn, giai đoạn nang noãn thứ phát, có thể thấy được trên siêu âm, thì số nang noãn lúc này còn lại rất ít so với số lượng ban đầu khi xuất kho, còn khoảng 10-20 nang noãn ở những phụ nữ trẻ tuổi. Phải đến giai đoạn này thì thuốc KTBT mới tác động lên sự phát triển của các nang noãn.
5. Trong 10-20 nang noãn giai đoạn sau này, nếu chúng ta không tác động gì, thì theo cơ chế tự nhiên, buồng trứng sẽ chọn 1 nang trong số đó để tập trung phát triển và sau cùng là rụng trứng. Nhờ cơ chế lựa chọn đó, mỗi tháng người phụ nữ chỉ có một trứng rụng.
6. Khi sử dụng thuốc KTBT (FSH), các thuốc này sẽ tác động, giúp giữ lại thêm các nang noãn ở giai đoạn cuối. Do đó, khi KTBT sẽ có nhiều nang noãn tiếp tục phát triển hơn, thay vì chỉ có 1 nang được chọn để phát triển và rụng trứng. Nhờ vậy trong 1 tháng, ta có thể có được nhiều trứng hơn khi tiêm thuốc KTBT.
7. Trường hợp buồng trứng suy yếu, số lượng nang noãn nguyên thuỷ "xuất kho" định kỳ sẽ bị giảm; sau 3 tháng phát triển độc lập, số nang noãn thứ phát lớn lên, thấy được trên siêu âm sẽ còn rất ít. Lúc này mới có thể dùng thuốc KTBT để tác động, và cũng không tăng số nang lên lúc này được. Do đó, nếu buồng trứng đã suy yếu thì có cho thật nhiều thuốc cũng không tăng lên được.
Như vậy, có thể thấy:
- Thuốc KTBT chỉ giúp cứu những nang noãn thứ cấp ở giai đoạn cuối, giúp các mom thu được nhiều trứng hơn thay vì bị tiêu huỷ theo cơ chế tự nhiên.
- Cho thêm nhiều thuốc KTBT cũng không ảnh hưởng đến bản chất vốn có của buồng trứng, nghĩa là không giúp buồng trứng tốt hơn và cũng không làm buồng trứng mất đi cái gì. Các mom yên tâm nhé!
Tài liệu tham khảo
- Anthony J Zeleznik, Reproductive Biology and Endocrinology, 2004, 2:31; https://rbej.biomedcentral.com/articles/10.1186/1477-7827-2-31