Lời khuyên cho việc cấy phôi

THỤ TINH TRONG ỐNG NGHIỆM

 
Phải làm gì trước và sau khi chuyển phôi: Lời khuyên cho việc cấy phôi ?
  •  
  •  
  •  
  •  

Chuyển phôi là một thủ thuật khá đơn giản nhưng lại là bước quan trọng cuối cùng trong toàn bộ quá trình điều trị IVF. Để chuyển phôi thành công, ngoài các yếu tố khách quan như bác sĩ IVF giỏi, làm IVF ở các trung tâm hỗ trợ sinh sản có trang thiết bị hiện đại…, các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn cần phải chuẩn bị sẵn sàng về sức khỏe và tâm lý.

Trước Khi chuyển phôi

  • Quá trình chuyển phôi không cần gây mê như chọc trứng, thời gian thực hiện chuyển phôi khoảng 5 – 10 phút. Tuy nhiên, có thể bạn được yêu cầu đến sớm hơn 45 đến 60 phút để chuẩn bị, mang theo các giấy tờ cần thiết như hướng dẫn của nhân viên y tế.
  • Trước chuyển phôi 2 tiếng nên tiểu sạch để siêu âm đánh giá lại nội mạc tử cung trước khi chuyển phôi, sau đó uống lại 1 ly nước khoảng 300ml và nhịn tiểu cho đến khi chuyển phôi vì siêu âm ngả bụng nên cần có nước tiểu trong bàng quang để quan sát thấy quá trình bơm phôi vào buồng tử cung.
  • Tuân thủ uống thuốc theo toa bác sĩ: phôi chỉ bám vào buồng tử cung nếu được đặt vào tử cung đúng giai đoạn cửa sổ làm tổ. Thông thường nếu phôi của bạn là phôi ngày 3 hay 5, BS sẽ canh thuốc sau 3 hay 5 ngày đặt Progesterone để đặt phôi (có nhiều phác đồ chuyển phôi khác nhau: chu kỳ tự nhiên hay nhân tạo, BS sẽ lựa chọn phác đồ tốt phù hợp cho bạn).
  • Không nên: trang điểm, sử dụng nước hoa, thoa dầu gió, không đeo trang sức hoặc nhuộm tóc, sơn móng tay móng chân.
 
Nên làm gì sau khi chuyển phôi?
  • Không nên quá lo lắng về việc nội mạc có đẹp hay không đẹp: độ dày nội mạc tử cung vào ngày chuyển phôi khoảng từ 8 – 12 mm, không phải cứ càng dày là càng tốt. Hình ảnh nội mạc trên siêu âm không có vai trò trong tiên lượng khả năng có thai.
  • Tuỳ điều kiện của mỗi người, sẽ có chế độ nghỉ ngơi phù hợp nhất sao cho thoải mái tâm lý và không ảnh hưởng cuộc sống, công việc hàng ngày. Nnằm nghỉ lại sau chuyển phôi: hiện tại chưa được chứng minh làm tăng khả năng có thai.
  • Khuyến khích vận động, sinh hoạt, đi lại làm việc bình thường.
  • Ăn uống đủ chất như: thịt, cá, trứng, sữa, ăn nhiều rau xanh, trái cây (chuối, cam, bưởi,…tránh táo bón) uống nhiều nước (nước ép trái cây, sữa đậu nành…).. Tránh ăn những món ăn tái, không hợp an toàn vệ sinh thực phẩm dễ gây tiêu chảy.
  • Nên phơi nắng sáng mỗi ngày 30 phút (từ 6 – 8 giờ).
  • Theo dõi khi có các dấu hiệu bất thường như: đau bụng nhiều, ra máu âm đạo nên liên hệ ngay cho bác sĩ hoặc điều dưỡng để được hướng dẫn cụ thể.
  • Trong thời gian này nếu bị ho, sổ mũi, đau dạ dày, tiêu chảy nên đi khám chuyên khoa và thông báo với bác sĩ chuyên khoa là đang mang thai để bác sĩ cho thuốc không ảnh hưởng đến thai.
  • Vệ sinh âm hộ bằng nước sạch, không nên sử dụng nước rửa phụ khoa, thay quần lót thường nếu thấy ra nhiều dịch ở âm đạo nhằm tránh gây viêm nhiễm.
  • Kiêng quan hệ vợ chồng trong thời gian này
  • Thử thai: nên xét nghiệm máu cho chính xác. Que thử nhanh đôi khi cho kết quả dương tính, âm tính giả
  • Duy trì thuốc hỗ trợ hoàng thể cho đến khi có kết quả xét nghiệm máu xác định là bạn có thai hay không có thai, cho dù bạn có ra ít máu âm đạo.
  • Nếu bạn có thai, sẽ tiếp tục thuốc hỗ trợ hoàng thể theo chỉ định Bác sĩ.

 

TS. BS. Lê Quang Thanh
BV Từ Dũ

Thời gian đăng bài : 28/04/2020

Lời khuyên cho việc cấy phôi

Lời khuyên cho việc cấy phôi