1. Các dấu hiệu của khả năng vô sinh ở phụ nữ
Dấu hiệu vô sinh rõ ràng nhất là khi người phụ nữ không thể có thai mặc dù quan hệ tình dục thường xuyên không dùng bất kỳ biện pháp tránh thai nào từ 12 tháng trở lên. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian này là 6 tháng.
-
Khi một người phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt (hàng tháng) đều đặn, bất kỳ thay đổi nào trong chu kỳ kinh nguyệt đều có thể cho thấy có vấn đề.
-
Nếu chu kỳ kinh nguyệt ít đều hơn, kinh thưa hoặc không có kinh thì có thể có vấn đề với quá trình rụng trứng. Ví dụ: chu kì kinh ngắn hơn 21 ngày hoặc kéo dài hơn 35 ngày.
-
Kinh nguyệt nhiều hoặc đau nhiều khi hành kinh, có thể là dấu hiệu của u xơ tử cung hoặc lạc nội mạc tử cung.
-
Đau vùng chậu có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hoặc lạc nội mạc tử cung. Đây là những dấu hiệu cảnh báo khiến bạn nên đi khám hiếm muộn sớm hơn.
2. Nguyên nhân nào gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản ở phụ nữ?
2.1. Rối loạn rụng trứng
Rối loạn phóng noãn chiếm 25%: Rụng trứng không thường xuyên hoặc không rụng trứng là nguyên nhân dẫn đến hầu hết các trường hợp vô sinh. Các vấn đề liên quan sự điều hòa của hormone sinh sản ở vùng dưới đồi hoặc tuyến yên hoặc các vấn đề trong buồng trứng, có thể gây ra rối loạn rụng trứng.
2.2 Tổn thương ống dẫn trứng
Ống dẫn trứng có vai trò vận chuyển trứng và tinh trùng, vận chuyển phôi đang phân chia vào buồng tử cung. Các bệnh lý ống dẫn trứng làm giảm khả năng thụ tinh, thụ thai và làm tổ bất thường (thai ngoài tử cung)
2.3 Lạc nội mạc tử cung (LNMTC)
LNMTC xảy ra khi các mô tương tự như lớp niêm mạc tử cung phát triển ngay trong tử cung hoặc ở những nơi khác, có thể là ổ bụng hoặc buồng trứng. LNMTC gặp ở 70% phụ nữ có triệu chứng đau vùng chậu đơn độc và gần 85% phụ nữ vô sinh kèm đau vùng chậu. LNMC gây ảnh hưởng khả năng sinh sản do gây biến dạng vị trí giải phẫu buồng trứng, vòi tử cung và vị trí tử cung do dính. Nó còn gây ảnh hưởng đến sự tiếp nhận trứng của loa vòi và thay đổi sự tiếp nhận của nội mạc tử cung.
2.4 Nguyên nhân do tử cung hoặc cổ tử cung
Tử cung đóng vai trò cung cấp môi trường thích hợp cho việc vận chuyển tinh trùng, phát triển phôi trước khi làm tổ và mang thai. Những bất thường tử cung gây giảm khả năng làm tổ, mang thai và tăng nguy cơ sẩy thai. Một số nguyên nhân thường gặp như: U xơ tử cung đặc biệt u xơ dưới niêm mạc, polyp buồng tử cung, dị tật bẩm sinh tử cung (tử cung có vách ngăn, tử cung hai sừng. Các tổn thương ở cổ tử cung do can thiệp thủ thuật (khoét chóp, đốt điện, điều trị loạn sản cổ tử cung) cũng có thể gây vô sinh.
2.5 Vô sinh không rõ nguyên nhân
Khoảng 10% vô sinh là không rõ nguyên nhân sau khi khảo sát cả hai vợ chồng nhưng không xác định được căn nguyên rõ ràng. Điều này có thể do sự kết hợp của một số yếu tố ở cả hai vợ chồng gây ra các vấn đề sinh sản mà các thăm dò cơ bản không thể giải thích được
3.Các dấu hiệu của vô sinh tiềm ẩn ở nam giới
Các dấu hiệu nhận biết vô sinh ở nam giới ít hơn ở nữ giới. Nam giới thường phải làm các xét nghiệm để tìm hiểu xem có vấn đề về khả năng sinh sản hay không. Khả năng quan hệ tình dục và xuất tinh của một người đàn ông có thể bình thường ngay cả khi có vấn đề về khả năng sinh sản. Nam giới bị quai bị ở tuổi dậy thì và tinh hoàn ẩn có nguy cơ cao gặp các vấn đề về sinh sản. Tinh hoàn ẩn có nghĩa là tinh hoàn không nằm trong bìu.
4.Nguyên nhân gây ra các vấn đề về khả năng sinh sản ở nam giới
4.1. Do bệnh lý
1. Giãn tĩnh mạch thừng tinh
Là nguyên nhân phổ biến nhất gây vô sinh nam. Đây là tình trạng các tĩnh mạch dẫn lưu cho tinh hoàn bị kéo dãn bất thường. Sự giãn tinh mạch tinh có thể dẫn đến rối loạn điều hòa nhiệt độ tinh hoàn. Khi nhiệt độ tinh hoàn tăng lên dẫn đến giảm sản xuất và giảm chất lượng tinh trùng.
2. Do nhiễm trùng
Bệnh lý lây qua đường tình dục (bệnh lậu, giang mai, HIV..), có thể làm giảm khả năng sản xuất tinh trùng, giảm chất lượng tinh trùng. Ngoài ra, viêm nhiễm có thể dẫn đến tắc nghẽn đường dẫn tinh gây vô sinh.
3. Bệnh quai bị
Nếu gây biên chứng viêm teo tinh hoàn cả hai bên thì có thể dẫn đến giảm sản xuất tinh trùng và gây vô sinh
4. Rối loạn xuất tinh
Xuất tinh ngược dòng là tình trạng nam giới vẫn giao hợp và đạt cực khoái như bình thường, đã xuất tinh nhưng không có tinh dịch chảy ra ngoài qua lỗ sao hoặc có nhưng rất ít. Sau khi giao hợp, nam giới sẽ thấy trong nước tiểu có lẫn lợn cợn màu trắng đục, đây là kết quả của tinh dịch đi ngược vào trong bàng quang rồi chảy ra ngoài qua đường nước tiểu. Tình trạng này xảy ra do các bệnh lý tại chỗ hay toàn thân khác như chấn thương cột sống, phẫu thuật tại bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo, đái tháo đường, dùng thuốc (chống trầm cảm, cao huyết áp)
5. Tắc nghẽn đường dẫn tinh
Ống dẫn tinh có thể bị tổn thương và tắc nghẽn do chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc các phát triển bất thường như trong bệnh xơ nang, bệnh di truyền. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, từ trong tinh hoàn, ống dẫn lưu tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh cho đến cả niệu đạo.
6. Rối loạn tình dục
Đây là những cản trở gặp phải trong việc duy trì sự cương cứng đủ cho quan hệ tình dục (rối loạn cương dương), xuất tinh sớm, giao hợp đau, bất thường về mặt giải phẫu như mở lỗ niệu đạo bên dưới dương vật hoặc cả các vấn đề về tâm lý khi quan hệ.
7. Khối u
Ung thư và có khối u lành tính tinh hoàn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản ở nam giới. Ung thư tinh hoàn chiếm tỷ lệ thấp, chỉ khoảng 1% trong tất cả nguyên nhân ung thư ở nam giới. Một số trường hợp cần phẫu thuật, xạ trị hoặc hóa trị để điều trị khối u có thể làm khả năng sinh sản nam giới suy giảm đáng kể.
8. Tinh hoàn ẩn
Nếu trong quá trình phát triển của bào thai, một hoặc cả hai tinh hoàn không đi xuống từ bụng vào bìu, nhiệt độ tinh hoàn gia tăng sẽ làm giảm khả năng sinh tinh. Nếu không được điều trị có thể dẫn đến vô sinh và biến chứng nặng như Ung thư tinh hoàn.
9. Bất thường di truyền
Các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter, hội chứng Kallmann, hội chứng Kartagener, xơ nang.. gây ra những bất thường trong sự phát triển của cơ quan sinh sản nam.
10. Tiền căn phẫu thuật
Một số phẫu thuật có thể để lại di chứng hạn chế khả năng xuất tinh như sửa chữa thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu, tinh hoàn, tuyến tiền liệt cũng như phẫu thuật lớn trong ổ bụng
4.2. Do môi trường
-
Tiếp xúc quá nhiều với các yếu tố môi trường nhất định như nhiệt độ cao, độc tố và hóa chất có thể làm giảm sản xuất hoặc suy yếu chức năng của tinh trùng.
-
Tiếp xúc hóa chất độc hại: thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, dung môi hữu cơ, vật liệu sơn.
-
Tiếp xúc với kim loại nặng: chì, thủy ngân.
-
Tiếp xúc tia xạ.
-
Tiếp xúc nhiệt: Môi trường làm việc quá nóng, mặt quần áo bó sát, thường xuyên xông hơi, tắm nước nóng có thể làm giảm số lượng tinh trùng.
4.3. Do thói quen, lối sống
-
Sử dụng thuốc: cocaine, cần sa, thuốc phát triển cơ bắp có thể làm giảm số lượng lẫn chất lượng tinh trùng.
-
Nghiện rượu: Rượu làm giảm nồng độ testosterone, gây rối loạn chức năng cương dương và giảm sản xuất tinh trùng.
-
Thuốc lá: Làm giảm số lượng và chất lượng. Hút thuốc thụ động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
-
Stress tâm lý: tình trạng lo âu, căng thẳng có thể ảnh hưởng một số hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng. Ngoài ra, rối loạn tâm lý ở nam giới có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục do giảm ham muốn, rối loạn cương dương, chậm xuất tinh hoặc bị ức chế.
-
Cân nặng: Béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản theo nhiều cách, bao gồm cả tác động trực tiếp đến việc sản xuất tinh trùng, giảm chất lượng tinh trùng cũng như gián tiếp gây ra các thay đổi hormone sinh dục nam.
5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ?
Bạn cần thăm khám hiếm muộn ngay khi có những vấn đề sau đây:
Bạn cần thăm khám hiếm muộn khi bạn không thể mang thai trong ít nhất một năm quan hệ vợ chồng đều đặn và không dùng bất cứ biện pháp tránh thai nào. Tuy nhiên, bạn cần khám hiếm muộn sớm hơn khi bạn có các biểu hiện sau đây:
- Tuổi từ 35 tuổi trở lên và đã cố gắng có thai trong sáu tháng hoặc lâu hơn
- Trên 40 tuổi
- Kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh
- Đau bụng khi hành kinh
- Đã biết các vấn đề về khả năng sinh sản
- Đã được chẩn đoán mắc bệnh lạc nội mạc tử cung hoặc bệnh viêm vùng chậu
- Đã từng sảy thai nhiều lần
- Đã trải qua điều trị ung thư
Nam giới nên khám hiếm muộn ngay khi có:
- Số lượng tinh trùng thấp hoặc các vấn đề khác với tinh trùng
- Tiền sử có các vấn đề về tinh hoàn, tuyến tiền liệt hoặc rối loạn tình dục (xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục
- Trải qua điều trị ung thư
- Tinh hoàn nhỏ hoặc sưng ở bìu
- Những người khác trong gia đình bạn có vấn đề về vô sinh
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. World Health Organization. Infertility. Available at: https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/infertility. Accessed April 2023
2. National Institute for Health and Care Excellence (NICE). Fertility problems: assessment and treatment. 2017. Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/cg156/chapter/context. Accessed November 2022
3. US Department of Health & Human Services. Female Infertility. Available at: https://www.hhs.gov/opa/reproductive-health/female-infertility/index.html. Accessed November 2022.
4. ACOG. Having a Baby After Age 35: How Aging Affects Fertility and Pregnancy. 2022. Available at: https://www.acog.org/womens-health/faqs/having-a-baby-after-age-35-how-aging-affects-fertility-and-pregnancy. Accessed November 2022
5. American Society for Reproductive Medicine (ASRM). Age and fertility. A guide for patients. Available at: https://www.reproductivefacts.org/news-and-publications/fact-sheets-and-infographics/age-and-fertility-booklet/?_t_id=3A8WKNFk4nlhCtxXSaPCnA%3d%3d&_t_uuid=GhFLjiHATJyedrSqo7tphA&_t_q=Age&_t_tags=siteid%3adb69d13f-2074-446c-b7f0-d15628807d0c%2clanguage%3aen%2candquerymatch&_t_hit.id=ASRM_Models_Pages_ContentPage/_2b205942-4404-4b20-98a3-4a181aec60e3_en&_t_hit.pos=1. Accessed September 2023.
6. NHS. Endometriosis. 2022. Available at: https://www.nhs.uk/conditions/endometriosis. Accessed November 2022
7. World Health Organization (WHO). Endometriosis. 2023. Available at: