Phôi thai là gì? Các loại phôi thai

Phôi thai là gì?

Phôi thai chính là “hạt giống” được ươm mầm trong tử cung của người mẹ dần được hình thành và phát triển qua từng ngày để trở thành em bé. Phôi được hình thành từ trứng và tinh trùng kết hợp với nhau tạo ra noãn hoàng, tiếp đến các tế bào lần lượt xuất hiện bên trong phôi và phát triển thành cơ thể thai nhi.

phôi thai là gì

Phôi loại I,II,III là gì?

Phân loại hình thái phôi là một công việc rất thường quy tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên thế giới, trong đó các chuyên viên phôi học sẽ quan sát phôi dưới kính hiển vi có độ phóng đại lớn, để phân loại các phôi tốt, các phôi xấu, các phôi bất thường, dựa vào nhiều tiêu chí khác nhau, chuyên viên phôi học sẽ lựa chọn ra các phôi loại I, II, III theo thứ tự ưu tiên từ tốt đến xấu để có những lựa chọn theo dõi và quyết định thích hợp.

 

phân loại phôi thai

Phôi ngày 3, ngày 5 là gì?

Sau khi trứng được chọc hút ra ngoài môi trường, chuyên viên phôi học sẽ cho trứng thụ tinh với tinh trùng của người bố đã được chuẩn bị sẵn. Từ thời điểm trứng và tinh trùng được thụ tinh với nhau, chuyên viên phôi học sẽ đánh dấu mốc thời gian từng mỗi 24h và được gọi là tuổi phôi. Phôi ngày 3 tức là thời điểm trứng đã thụ tinh với tinh trùng được 3 ngày, và điều tương tự là phôi ngày 5 sau khi trứng thụ tinh được với tinh trùng sau 5 ngày

 

phôi thai ngày 3 và ngày 5

Phôi ngày mấy có khả năng thụ thai? Ngày 3 hay ngày 5?

Trên lý thuyết phôi ngày 3 và phôi ngày 5 đều có khả năng thành công, tuy nhiên để theo dõi sự phát triển của phôi tốt, và giảm nguy cơ chuyển một phôi thất bại thì các chuyên viên phôi học và bác sĩ sẽ thảo luận với nhau dựa vào số phôi đang có để quyết định chuyển phôi nào vào buồng tử cung. Về lý thuyết thì việc chuyển 1 phôi tốt ngày năm sẽ có khả năng thành công cao hơn so với chuyển 1 phôi ngày 3. Và tương tự chuyển một phôi loại I sẽ có tỷ lệ thành công cao hơn chuyển một phôi loại III, tuy nhiên trên thực tế cũng ghi nhận rất nhiều trường hợp chuyển một phôi ngày 3 loại III nhưng kết cục lại là một kết quả ngọt ngào đầy mong đợi.

Sau chuyển phôi kế hoạch thăm khám sẽ là gì?

Thông thường sau chuyển phôi từ 10 ngày đến 12 ngày( tùy loại phôi ngày nào) bác sĩ sẽ cho bạn làm test Beta hcg để đánh giá khả năng mang thai. Thời điểm này chưa quan sát rõ hình ảnh túi thai được trên siêu âm, nếu xét nghiệm báo hiệu có thai, đó là một điều rất phấn khởi và hạnh phúc cho cả người bệnh và nhân viên y tế, và thường sau đó 1 tuần chúng ta có thể kiểm tra dưới siêu âm để đánh giá hình ảnh túi thai lúc này khoảng 10mm. Nếu có túi thai lúc này sẽ khoảng 5 tuần và chúng ta chưa quan sát được phôi thai dưới siêu âm, thông thường phôi thai và tim thai sẽ quan sát thấy rõ sau khi  test Beta hcg dương tính 3 tuần, lức đó tuổi thai sẽ là 7 tuần và bạn có thể thấy được nhịp đập của tim thai.

 

thăm khám thai sau khi chuyển phôi

Ăn gì cho phôi thai phát triển tốt?

1. Thực phẩm giàu protein

Nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết protein có vai trò kiểm soát việc sản xuất nội tiết tố (hormone) của cơ thể. Các hormone này quyết định số lượng và chất lượng trứng ở người phụ nữ. Trứng có chất lượng tốt sẽ là nền tảng của ca ivf thành công. Vì thế, hãy đảm bảo rằng khẩu phần ăn của bạn gồm đầy đủ các loại thực phẩm giàu protein như thịt đỏ (heo, bò, dê…), thịt trắng (gà, vịt, ngan…), cá, trứng, sữa, các loại đậu, các loại hạt…

2. Thực phẩm giàu carbohydrate tốt

Carbohydrate lành mạnh là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào cho phụ nữ trước và sau khi chuyển phôi. Hãy bổ sung vào thực đơn hàng ngày những món giàu carbohydrate tốt như: bánh mì nguyên cám, gạo lứt, ngũ cốc nguyên hạt, rau, trái cây, các loại đậu…

3. Thực phẩm chứa chất béo lành mạnh

Có nhiều loại chất béo khác nhau: chất béo bão hòa, chất béo không bão hòa, chất béo chuyển hóa. Trong đó, chất béo không bão hòa là chất béo lành mạnh. Nghiên cứu cho thấy ăn nhiều thực phẩm chứa chất béo không bão hòa giúp tăng khả năng mang thai lên 3-4 lần. Cá có dầu (cá hồi, cá thu, cá ngừ…), rau quả lá xanh, cây họ đậu, dầu hạt cải, dầu ô liu… rất giàu loại chất béo này. Trong khi đó, bạn nên tránh chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (chất béo xấu), có nhiều trong thịt mỡ, khoai tây chiên, gà rán, bánh quy, thức ăn nhanh…

 

Ăn gì cho phôi thai phát triển tốt

4. Thực phẩm chống viêm

Tình trạng viêm là căn nguyên gây ra một loạt vấn đề trên cơ thể, và đặc biệt có hại cho những phụ nữ đang cố gắng mang thai. Khi cơ thể bị viêm, các tế bào sẽ chống lại và từ chối tiếp nhận tinh trùng, làm trầm trọng tình trạng mất cân bằng nội tiết tố và biến tử cung trở thành một nơi không thích nghi cho phôi thai phát triển.

Không có hợp chất kỳ diệu nào có thể cải thiện tình trạng viêm hoàn toàn. Tuy nhiên, nghiên cứu đã chứng minh các chất chống oxy hóa có tác dụng rất tốt trong việc giảm viêm. Vì thế, bạn nên ăn nhiều loại thực phẩm chống viêm và tránh các thực phẩm gây viêm. Cụ thể, hãy ăn nhiều rau, trái cây, quả hạch và cố gắng ăn tươi, tránh tối thiểu việc chế biến. Thực phẩm chế biến sẵn, đặc biệt là những thực phẩm có chất bảo quản, carbohydrate đơn hoặc dầu tinh luyện là nhóm thực phẩm cần hạn chế tối đa.

5. Thực phẩm bổ máu

Phôi thai đang phát triển cần được cung cấp đủ máu; tử cung và nội mạc tử cung cũng vậy. Vì thế, các thực phẩm bổ máu rất hữu ích để hỗ trợ quá trình tái tạo tự nhiên của các tế bào sau chuyển phôi. Đặc biệt, nếu bạn dễ bị thiếu máu, hoa mắt, kinh nguyệt ra ít hoặc dễ bị bầm tím, cần ưu tiên ăn nhiều thịt bò, thịt gà, rau lá màu xanh đậm như cải xoăn, cải thìa, bông cải xanh, quả mọng như mâm xôi, dâu tằm, nho…

6. Uống đủ nước

Dù ở giai đoạn nào của chu trình ivf, bạn cũng cần cung cấp đủ lượng nước cho cơ thể (2-3 lít/ngày) để thanh lọc và giải độc. Lượng nước này đến từ nước lọc, sữa, nước trái cây nguyên chất, sinh tố rau quả… nếu bạn bị dị ứng với sữa bò, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để tìm giải pháp thay thế.

Sau khi chuyển phôi nên làm gì?

Có rất nhiều khuyến nghị cần tuân thủ, tuy nhiên điều quan trọng nhất cần làm là bạn cứ sinh hoạt như bình thường, cố gắng không để bản thân quá ám ảnh về việc mang thai, giảm căng thẳng tâm lý. Sau đây là những lời khuyên cơ bản mà mỗi bệnh nhân sau chuyển phôi nên tham khảo thực hiện:

 

1. Nghỉ ngơi

Sau chuyển phôi bạn nên nằm nghỉ khoảng 30 phút tại bệnh viện, đây là khoảng thời gian hợp lý, nằm lâu hơn là không cần thiết. Sau đó bạn có thể di chuyển về nhà và sinh hoạt một cách bình thường.

 

2. Hoạt động hàng ngày 

Ngoại trừ vận động mạnh như chơi thể thao hay mang vác nặng, sinh hoạt hàng ngày của bạn sau chuyển phôi như đi ra ngoài, đi bộ, lái xe hay thậm chí là đi làm như bình thường. Việc leo cầu thang cũng không có bằng chứng nào cho thấy nó có thể gây nên giảm tỉ lệ có thai như nhiều người vẫn nghĩ.

 

3. Dùng thuốc 

Bạn chỉ nên dùng các loại thuốc được kê đơn bởi bác sĩ điều trị trực tiếp của bạn, không nên tự ý dùng các loại thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, thực phẩm chức năng khác vì không biết rõ cơ chế tác dụng của các loại thuốc - thực phẩm này.

Thông thường bác sĩ sẽ kê cho bạn thuốc hỗ trợ hoàng thể progesterone đến khoảng tuần 11-12 của thai kỳ. Sau đó bác sĩ có thể quyết định giảm liều hoặc ngưng thuốc do rau thai đã phát triển đủ để nuôi thai mà không cần bổ sung thêm.

 

4. Giữ tinh thần luôn ở trạng thái tích cực

Sau khi chuyển phôi nên làm gì

Sự lạc quan có thể tạo ra sự khác biệt sau khi chuyển phôi. Bạn nên tránh căng thẳng, lo lắng và không nên để bản thân quá ám ảnh về kết quả. Những điều này góp phần vào sự thành công của chu kỳ điều trị. Bạn có thể chọn cho mình những hoạt động giải trí nhẹ nhàng, phù hợp, điều này rất có ích vì nó giúp bạn không phải suy nghĩ quá mức. Các bài tập thiền và yoga nhẹ có thể có ích cho bạn trong việc cân bằng lại tinh thần...

Tin liên quan