Phụ nữ, khả năng sinh sản và tuổi tác

HIỂU BIẾT VỀ KHẢ NĂNG SINH SẢN

 
Mặc dù khả năng sinh sản giảm theo tuổi, nhưng một sự hỗ trợ nhỏ cũng có thể giúp cải thiện cơ hội có thai của bạn. Hãy tìm hiểu xem liệu tuổi tác có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn như thế nào nhé.
 
Những lưu ý:
  • Dù bạn ở lứa tuổi nào, nếu bạn đang cố gắng có thai, bạn có thể gặp bác sĩ để tư vấn trước. Họ có thể tư vấn cho bạn thời điểm nào cần ngưng tránh thai và làm cách nào để tối ưu hoá khả năng có thai của bạn.
  • Ở phụ nữ, mỗi tháng chỉ có giai đoạn rất ngắn để thụ thai, bác sĩ của bạn có thể hướng dẫn cho bạn thời điểm thích hợp cần quan hệ. Nếu bạn đang cố gắng có thai, bạn nên quan hệ ngay trước và xung quanh thời điểm rụng trứng nhằm đạt cơ hội thụ thai cao nhất.

 

  • Chuyện gì xảy ra với khả năng sinh sản?

    Thụ thai không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, ngay cả với những người phụ nữ trong lứa tuổi sinh sản tốt nhất. Khi bạn lớn tuổi, cơ thể sẽ trải qua các thay đổi sinh lý khiến cho việc thụ thai càng trở nên khó khăn hơn. Các thay đổi này bao gồm:

    • Số lượng trứng giảm — phụ nữ sinh ra đời có khoảng 1-2 triệu trứng. Số lượng này sẽ tiếp tục giảm dần sau sinh[1] Ở thời điểm 37 tuổi, chỉ còn khoảng 25.000 trứng[1]
    • Chất lượng trứng giảm  — khi người phụ nữ lớn tuổi hơn, trứng của họ sẽ có nguy cơ bị bất thường số lượng nhiễm sắc thể cao hơn từ đó ảnh hưởng đến chất lượng của phôi[2]
    • Rụng trứng không đều — chu kỳ kinh của người phụ nữ ngắn lại và không đều[2]
    • Bị nhiều bệnh hơn — người phụ nữ lớn tuổi dễ bị nhiều bệnh gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hơn, như lạc nội mạc tử cung[1]
    • Giảm tần suất quan hệ tình dục — người phụ nữ ít quan hệ hơn khi lớn tuổi[1]

    Mặc dù nam giới có độ tuổi sinh sản dài hơn nữ giới, chất lượng và số lượng tinh trùng của nam giới cũng giảm theo tuổi[3,4].

  • Cơ hội của những bệnh nhân lớn tuổi

    Độ tuổi 20-30 là độ tuổi sinh sản lý tưởng của người phụ nữ, từ 30 tuổi trở đi thì khả năng sinh sản giảm dần, sau đó giảm nhanh từ 35 tuổi. Mỗi tháng, một người phụ nữ khoẻ mạnh:

    • Dưới 30 tuổi có 25% cơ hội có thai[5]
    • Ở tuổi 30 là 20%[2]
    • Trên 35 tuổi chỉ còn 10%[5]
    • Và còn dưới 5% ở 40 tuổi[2]

    Tuổi tác cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến thành công của điều trị hiếm muộn.[6,7] Một nghiên cứu gần đây khảo sát số người phụ nữ sinh con trong vòng 5 năm điều trị hiếm muộn[6].

    Mongcon.vn

     

    Dù bạn từ 35 tuổi trở lên, cũng không nên quá căng thẳng. Mặc dù việc có thai sẽ trở nên khó khăn hơn, cũng vẫn còn nhiều phương pháp điều trị giúp người phụ nữ lớn tuổi có con.

  • Những nguy cơ đối với thai kỳ ở người phụ nữ lớn tuổi?

    Nếu bạn hơn 35 tuổi, có một số nguy cơ có thể liên quan đến thai kỳ. Các nguy cơ này bao gồm:[1,2]

    • Đái tháo đường hoặc tăng huyết áp
    • Sẩy thai
    • Sinh con bị bất thường nhiễm sắc thể
  • Tìm kiếm sự trợ giúp

    Khi lớn tuổi, bạn nên tìm đến các phương pháp điều trị hiếm muộn tân tiến (như hỗ trợ sinh sản) nhằm tăng khả năng có thai. Mặc dù hỗ trợ sinh sản ngày càng trở nên phổ biến, đôi khi cũng mất nhiều chu kỳ điều trị thì bạn mới có thể thành công[2]. Vì vậy, nếu bạn trên 35 tuổi và đã cố gắng thụ thai trong 6 tháng nhưng chưa thành công, bạn nên tư vấn bác sĩ để lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp. Ngày nay, nhiều cặp vợ chồng có con ở lứa tuổi lớn hơn so với trước rất nhiều.

Tài liệu tham khảo

  1. The American College of Obstetricians and Gynecologists Committee on Gynecologic Practice and The Practice Committee of the American Society for Reproductive Medicine. Fertil Steril 2014;101(3):633–634.
  2. American Society for Reproductive Medicine (ASRM). Age and fertility. A guide for patients. 2012. Available at http://www.reproductivefacts.org/globalassets/rf/news-and-publications/bookletsfact-sheets/english-fact-sheets-and-info-booklets/Age_and_Fertility.pdf. Accessed: February 2018.
  3. Dunson D, et al. Hum Reprod 2002;17(5):1399–1403.
  4. Harris I, et al. Rev Urol 2011;13(4):e184–e190.
  5. George K and Kamath M. J Hum Reprod Sci 2010;3:121–123.
  6. Malchau S, et al. Hum Reprod 2016;31(1):1–513.
  7. National Institute for Health and Care Excellence (NICE). The importance of 3 full cycles of IVF. 2014. Available at: https://www.nice.org.uk/news/blog/the-importance-of-3-full-cycles-of-ivf. Accessed: January 2018.

 

Phụ nữ, khả năng sinh sản và tuổi tác

Phụ nữ, khả năng sinh sản và tuổi tác