Thụ tinh ống nghiệm IVF là gì?
Thụ tinh ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng labo để tạo thành phôi.
Sau khoảng thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài (thông thường khoảng 2 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.
Thụ tinh ống nghiệm và thụ tinh nhân tạo khác nhau như thế nào?
Điểm khác biệt giữa hai kỹ thuật này chính là, đối với bơm tinh trùng vào buồng tử cung, quá trình thụ tinh vẫn xảy ra trong cơ thể của người phụ nữ, trong khi với thụ tinh ống nghiệm, quá trình thụ tinh xảy ra ngoài cơ thể người phụ nữ.
Vì vậy kỹ thuật IVF yêu cầu nhiều bước điều trị hơn, từ kích thích buồng trứng, chọc hút trứng, đến thụ tinh trong phòng thí nghiệm và chuyển phôi ngược lại vào buồng tử cung người phụ nữ.
Tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm IVF
Tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm sẽ thay đổi tuỳ theo nhóm tuổi của người vợ. Tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn tỷ lệ thành công trung bình của các ca IVF ở mức cao khoảng 50 - 60%. Tỷ lệ này sẽ giảm dần theo tuổi của người vợ (từ 35 tuổi trở lên).
Thêm vào đó, một số yếu tố có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) gồm: Tuổi tác của 2 vợ chồng, các bệnh lý đi kèm như buồng trứng đa nang, hay lạc nội mạc tử cung….
Chi phí thực hiện
Bên cạnh tỷ lệ thành công thì chi phí khi làm IVF cũng là nỗi băn khoăn, thắc mắc của các cặp vợ chồng. Hiện nay, chi phí thực hiện thụ tinh phương pháp này tại Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản dao động từ khoảng 80 – 100 triệu đồng, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của khách hàng và phác đồ điều trị. Nếu phát sinh chi phí cao hơn là do nhóm điều trị các bệnh lý đi kèm theo.
Thụ tinh ống nghiệm mất bao nhiêu thời gian
Thời gian thực hiện thụ tinh ống nghiệm theo quy trình thông thường, thì sau khoảng 2 tháng để đến bước thứ 5 và bạn sẽ được chuyển phôi vào buồng tử cung nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp.
Đối tượng nào cần áp dụng phương pháp IVF
Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) được biết đến là phương pháp điều trị hiệu quả cho những trường hợp người vợ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng.
Bên cạnh đó, phương pháp này còn được áp dụng điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có thai bằng các phương pháp hỗ trợ sinh sản thông thường, hoặc những cặp vợ chồng lớn tuổi, đặc biệt giảm dự trữ buồng trứng, kèm theo các bệnh lý: lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, bất thường ở tinh trùng và các yếu tố miễn dịch, hoặc vô sinh chưa rõ nguyên nhân…
Tóm lại, những đối tượng có thể xem xét đến phương pháp IVF gồm:
- Vô sinh do rối loạn phóng noãn, tắc hoặc tổn thương vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng…
- Vô sinh do các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung.
- Vô sinh do tinh trùng yếu, tinh trùng ít hoặc xuất tinh ngược, không có tinh trùng trong tinh dịch…
- Cặp vợ chồng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm.
- Áp dụng phương pháp bơm tinh trùng nhiều lần nhưng thất bại.
- Vô sinh – hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
- Các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.
Thụ tinh trong ống nghiệm có đau không?
Trong quy trình thụ tinh trong ống nghiệm có 1 bước sẽ làm cho bệnh nhân khó chịu một chút, nhưng hoàn toàn không đau đớn nhiều, và thực hiện đảm bảo vô trùng tại phòng thủ thuât có hỗ trợ của bác sĩ gây mê đó là lúc chọc hút trứng.
Các bước còn lại bao gồm tiêm thước kích thích buồng trứng và chuyển phôi đều có thể gây khó chịu nhẹ một chút cho người bệnh.
Về mặt tác dụng bất lợi, hầu như chỉ ảnh hưởng đến người phụ nữ sau khi được cấy phôi vào tử cung. Những triệu chứng được ghi nhận là đau bụng nhẹ, chướng bụng, rỉ dịch âm đạo có lấm tấm máu. Nếu bạn bị xuất huyết âm đạo, đau vùng chậu, tiểu ra máu hoặc sốt cao, hãy đi khám ngay.
Việc thụ tinh trong ống nghiệm đôi khi là nguyên nhân khiến bạn gặp phải những khó khăn sau:
Mang đa thai
Trong quá trình chuyển phôi có thể sẽ có nhiều phôi được chuyển vào tử cung của bạn nhằm mục đích tăng cơ hội mang thai, do đó có khả năng bạn sẽ mang đa thai. Theo BabyCenter, khoảng 20% các trường hợp mang thai nhờ việc thụ tinh trong ống nghiệm là đa thai.
Hội chứng quá kích buồng trứng
Việc sử dụng các loại thuốc để kích thích rụng trứng có thể gây hội chứng quá kích buồng trứng, khiến buồng trứng của bạn bị sưng và đau.
Sẩy thai
Tỷ lệ sẩy thai ở phụ nữ thụ thai bằng phôi tươi tương tự như phụ nữ thụ thai tự nhiên, khoảng 15 – 25% và con số này tăng dần theo tuổi của người mẹ. Thực tế, việc sử dụng phôi đông lạnh khi tiến hành IVF có thể làm tăng nguy cơ sẩy thai.
Biến chứng thủ thuật chọc hút trứng
Sử dụng kim hút để thu thập trứng có thể có thể gây chảy máu, nhiễm trùng hoặc tổn thương ruột, bàng quang hoặc mạch máu. Ngoài ra, việc gây mê khi tiến hành chọc hút trứng cũng có thể gây ra nguy cơ xấu cho sức khỏe.
Có thai ngoài tử cung
Khoảng 2 – 5% phụ nữ sử dụng IVF sẽ mang thai ngoài tử cung.
Nguy cơ ung thư buồng trứng: Một số nghiên cứu trước kia cho thấy có thể có mối liên hệ giữa một số loại thuốc được sử dụng để kích thích sự phát triển của trứng và sự phát triển của một loại khối u buồng trứng.
Stress
Không chỉ tốn kém thời gian và tiền bạc, việc tiến hành phương pháp IVF có thể khiến vợ chồng bạn mệt mỏi về thể chất lẫn tinh thần. Do đó, sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè là rất hữu ích.
Để tăng khả năng đậu thai sau khi chuyển phôi, bạn cần làm gì?
Nghỉ ngơi
Một số người khuyên người mẹ nghỉ ngơi trên giường 24 giờ sau thủ thuật, số khác lại khuyên hoạt động nhẹ nhàng để khiến máu lưu thông tới tử cung, tăng cơ hội mang thai.
Thực tế, cần vài ngày để xác định phôi đã làm tổ hay chưa. Chị em nên nghỉ ngơi, thư giãn phục hồi sức khỏe. Sống chậm rãi có thể giúp đối phó với cảm xúc thất thường, đồng thời bảo vệ cơ thể.
Uống thuốc đúng lịch
Trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ IVF, phụ nữ có thể cần thêm thuốc và bổ sung progesterone. Thuốc có thể làm nặng thêm triệu chứng chóng mặt và nôn ói. Do đó, bà mẹ cần uống đầy đủ thuốc của bác sĩ theo chỉ định. Chị em có thể ngừng thuốc trước khi chuyển phôi, song nên hỏi ý kiến của bác sĩ.
Progesterone là hormone quan trọng để duy trì thai kỳ và thường sử dụng trong các phương pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo IVF. Để thai kỳ diễn biến thuận lợi nhất, phụ nữ cần tiếp tục sử dụng progesterone sau khi chuyển phôi, nhằm hỗ trợ quá trình cấy và duy trì phôi trong tử cung. Chị em cũng nên bổ sung acid folic trong giai đoạn này.
Bà mẹ mang thai sau khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm IVF.
Hạn chế căng thẳng
Mọi loại căng thẳng trong giai đoạn này đều cần hạn chế. Đây là lúc để thư giãn và thả lỏng. Để tập trung, cảm thấy hạnh phúc, chị em có thể tập thiền, thở hoặc yoga.
Ăn uống lành mạnh
Ba tháng đầu tiên khi mang thai IVF có thể có tình trạng buồn nôn dữ dội, khiến chị em khó ăn uống. Vì vậy, ăn theo khẩu phần nhỏ rất quan trọng.
Sau tam cá nguyệt đầu tiên, chị em có thể ăn uống lành mạnh, tránh ăn ở bên ngoài hoặc dùng món ăn không được nấu nóng. Mọi người nên ăn trái cây và rau quả tươi, bữa ăn giàu calci, protein, vitamin B, chất sắt, đồng thời uống bổ sung vitamin, khoáng chất.
Kiêng và tránh
Chị em cần giảm lượng caffein còn dưới hai cốc mỗi ngày, đồng thời bỏ hút thuốc, uống rượu. Lý do là caffein, thuốc và rượu có thể làm hại em bé, gây chậm phát triển, sảy thai. Hãy chăm sóc sức khỏe tinh thần trong thời gian này, tránh căng thẳng, trọng tâm chính là thư giãn, chăm sóc bản thân.