Trữ trứng được xem là một giải pháp được thực hiện nhằm bảo tồn khả năng sinh sản, ở những người phụ nữ chưa có dự định mang thai, đang chuẩn bị bước vào giai đoạn điều trị các bệnh lý có thể ảnh hưởng đến chất lượng trứng hoặc có nguy cơ suy giảm dự trữ buồng trứng.
Khả năng sinh sản của người phụ nữ có thay đổi theo độ tuổi
Độ tuổi sinh sản tối ưu của người phụ nữ trong giai đoạn 20 – 30 tuổi, từ 30 tuổi, số lượng và chất lượng noãn bắt đầu suy giảm, đặc biệt lao dốc từ độ tuổi 35. Đến sau 40 tuổi, chỉ khoảng 10% phụ nữ có thể thụ thai tự nhiên và mang thai đến khi sinh.
Trong bối cảnh xã hội ngày nay, vai trò của người phụ nữ ngày càng được nâng cao, phụ nữ có xu hướng kết hôn và sinh con muộn hơn, lúc này chức năng buồng trứng, khả năng sinh sản đã bắt đầu suy giảm hoặc thậm chí đã sụt giảm nghiêm trọng, vì vậy tỷ lệ vô sinh dần tăng lên.
Tuy nhiên, việc điều trị hiếm muộn ở những bệnh nhân nữ lớn tuổi sẽ khó khăn và tốn kém hơn, trong khi tỷ lệ thành công thấp hơn, trong một số trường hợp, khi số lượng và chất lượng noãn quá kém, bệnh nhân sẽ phải lựa chọn phương pháp xin noãn để có thể mang thai.
Chỉ định của trữ đông trứng
Trữ đông trứng ban đầu được khuyến cáo ở những bệnh nhân nữ mắc các bệnh lý ác tính, cần can thiệp điều trị như xạ trị có ảnh hưởng đến chức năng buồng trứng hoặc chuẩn bị bước vào các phẫu thuật trên mô buồng trứng như cắt u buồng trứng, ung thư buồng trứng. Bên cạnh đó, trữ đông trứng còn được tiến hành ở những bệnh nhân suy buồng trứng nhằm dự trữ và tích lũy noãn qua nhiều chu kỳ để tăng cơ hội thành công khi điều trị hiếm muộn sau này.
Ở những bệnh nhân điều trị thụ tinh trong ống nghiệm, thông thường sau khi trứng được chọc hút xong sẽ được thụ tinh với tinh trùng và tạo phôi, trong những trường hợp không thu nhận được tinh trùng từ người chồng, trữ đông trứng sẽ được chỉ định để đảm bảo chất lượng của nang noãn. .
Ngày nay, trữ đông trứng được mở rộng chỉ định đối với những phụ nữ muốn trì hoãn thời gian mang thai vì các lý do cá nhân.
Thời điểm thích hợp để trữ đông trứng
Số lượng và chất lượng trứng tốt nhất khi người phụ nữ dưới 35 tuổi, khoảng thời gian từ 20 đến 35 tuổi được xem là khoảng thời gian tốt nhất để tiến hành thu nhận và trữ đông trứng. Sau khi tiến hành trữ trứng, người phụ nữ cần cân nhắc thời gian sử dụng trứng đông lạnh để rút ngắn thời gian lưu trữ trứng, giúp tiết kiệm chi phí.
Trữ đông bao nhiêu trứng là đủ?
Số lượng và chất lượng trứng tỷ lệ nghịch với độ tuổi của người phụ nữ, tuổi càng lớn thì số lượng và chất lượng trứng càng suy giảm. Các nghiên cứu cho thấy số lượng trứng cần đông lạnh thay đổi theo độ tuổi như sau:
- Phụ nữ dưới 35 tuổi: cần đông lạnh 15 – 20 noãn để đạt tỷ lệ có thai khoảng 80 – 90%.
- Phụ nữ từ 35 đến 40 tuổi: cần đông lạnh 20 – 30 noãn để tỷ lệ có thai đạt khoảng 75 – 80%
- Phụ nữ từ 40 tuổi trở lên: cần đông lạnh 30 noãn để tỷ lệ có thai đạt khoảng 50%
Vì vậy, để huy động được nhiều nang noãn nhằm tăng khả năng mang thai trong tương lai, bạn có thể trải qua nhiều hơn một chu kỳ kích thích và chọc hút noãn để thu được số lượng noãn yêu cầu.
Quy trình trữ đông trứng
Để tiến hành trữ noãn, bạn cần thực hiện một số xét nghiệm nhằm đánh giá dự trữ buồng trứng, tầm soát các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục như HIV, giang mai, viêm gan B, viêm gan C…, đánh giá sức khỏe tổng quát trước khi tiến hành tiêm thuốc kích thích buồng trứng và gây mê chọc hút noãn.
Sau đó, bạn sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng bắt đầu từ ngày thứ 2 của chu kỳ kinh nhằm huy động nhiều nang noãn cùng phát triển. Sau quá trình theo dõi trứng, khi số lượng và kích thước trứng đạt yêu cầu, bác sĩ sẽ tiến hành chọc hút trứng qua ngã âm đạo. Trứng ngay sau khi chọc hút sẽ được xử lý, những trứng trưởng thành (giai đoạn MII) sẽ được trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa và lưu trữ trong môi trường nito lỏng ở -196 độ C.
Khi bạn có nhu cầu sử dụng, trứng sẽ được rã đông và thụ tinh với tinh trùng bằng kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI) để tạo phôi.
Để có thêm thông tin về kỹ thuật trữ đông trứng, bạn có thể đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để được tư vấn thêm bởi bác sĩ và chuyên viên phôi học.