Bên cạnh rong kinh, cường kinh là những rối loạn kinh nguyệt phổ biến, vô kinh cũng là một trong những bất thường gây hoang mang, lo lắng cho người bệnh, đặc biệt đối với những bệnh nhân đang trên hành trình điều trị hiếm muộn. Vậy vô kinh là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Chu kỳ kinh nguyệt là một hiện tượng sinh lý bình thường của người phụ nữ, xảy ra có tính chất chu kỳ trong hệ sinh sản của nữ giới để chuẩn bị cho quá trình mang thai. Chu kỳ kinh nguyệt được điều chỉnh bởi hệ thống hormon từ vùng dưới đồi – tuyến yên – buồng trứng. Sự phối hợp nhịp nhàng của các cơ quan và hormon này giúp chu kỳ kinh nguyệt của người phụ nữ diễn ra đều đặn và giúp tăng cơ hội có thai.
Bình thường một bé gái sẽ xuất hiện kinh nguyệt từ độ tuổi 12 -13. Một chu kỳ kinh nguyệt lý tưởng kéo dài khoảng 28 ngày, độ dài từ 21 đến 35 ngày cũng được xem là bình thường. Trong những năm đầu có kinh nguyệt hoặc trong giai đoạn tiền mãn kinh, độ dài kinh nguyệt thường có những thay đổi không đều. Những rối loạn về kinh nguyệt thường gây ra ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý và thể chất của người phụ nữ.
Vậy vô kinh là gì?
Vô kinh là hiện tượng không có kinh nguyệt ở phụ nữ, thường được chia làm hai loại là vô kinh nguyên phát và thứ phát. Vô kinh nguyên phát được định nghĩa khi trẻ gái từ 16 tuổi, dù có đầy đủ các đặc điểm sinh dục thứ phát (như phát triển vú, mọc lông mu, lông nách…) vẫn không có kinh, hoặc trẻ gái từ 14 tuổi không phát triển các đặc điểm sinh dục thứ phát và không có kinh. Vô kinh thứ phát được định nghĩa là tình trạng mất kinh trong 6 chu kỳ liên tiếp ở những người phụ nữ đã từng có kinh trước đó.
Nguyên nhân vô kinh
Vô kinh có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, đó có thể do sinh lý, do tác dụng phụ của một số loại thuốc (thuốc chống trầm cảm, thuốc dị ứng, thuốc điều trị dạ dày…), nhưng cũng có thể đến từ các bệnh lý , đặc biệt từ những bệnh lý có ảnh hưởng đến trục làm việc từ hạ đồi – tuyến yên – buồng trứng.
Trong bối cảnh vô kinh nguyên phát, các nguyên nhân thường gặp đến từ các bất thường của hệ sinh dục nữ như không có tử cung, âm đạo, hoặc đường sinh dục bị dị dạng, vách ngăn âm đạo làm tắc nghẽn đường ra của máu kinh. Ngoài ra, những bất thường ít gặp liên quan đến nhiễm sắc thể giới tính như hội chứng Turner, hội chứng Swayer, … hay suy trục sinh dục như hội chứng Kallmann cũng gây ra tình trạng vô kinh này.
Đối với vô kinh thứ phát, các yếu tố liên quan lối sống như giảm cân nhanh, đột ngột, ăn uống quá độ hoặc tập thể dục nặng, quá sức, căng thẳng nhiều đều ảnh hưởng đến sự phát triển và rụng trứng. Những rối loạn liên quan đến phóng noãn cũng là một trong những nguyên nhân vô kinh phổ biến, đặc biệt thường gặp trong hội chứng buồng trứng đa nang, ngoài ra một số bệnh lý toàn thân cũng ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt như các bệnh lý của tuyến giáp, tuyến yên,… Đối với những bệnh nhân có tiền sử can thiệp lên buồng tử cung như nạo hút thai, nạo buồng tử cung, mổ lấy thai,… cũng là một trong những nguyên nhân gây dính buồng tử cung và dẫn đến vô kinh.
Vô kinh có gây vô sinh không?
Vô kinh xảy ra với tần suất 3 - 4% bệnh nhân vô sinh. Kinh nguyệt là một trong những yếu tố giúp phản ánh chức năng nội tiết buồng trứng của người phụ nữ. Tình trạng không có kinh nguyệt hoặc mất kinh kéo dài là một trong những dấu hiệu cảnh báo bất thường của hệ sinh sản.
Những bất thường chức năng nội tiết gây ảnh hưởng quá trình phát triển của rứng, ức chế khả năng rụng trứng và ngăn cản hiện tượng thụ thai xảy ra. Những bất thường liên quan đến cấu trúc như dị dạng tử cung, dính buồng tử cung cũng sẽ ngăn cản đến sự làm tổ và phát triển của phôi dù trước đó hiện tượng thụ tinh của trứng và tinh trùng diễn ra bình thường.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tác động của vô kinh lên khả năng sinh sản, các yếu tố liên quan đến chất lượng tinh trùng, vòi tử cung, tình trạng dự trữ buồng trứng và chất lượng của cơ tử cung cũng là các yếu tố quan trọng cần được khảo sát trong điều trị vô sinh.
Vô kinh có điều trị được không?
Vô kinh gây ra tình trạng lo lắng cho người phụ nữ, đặc biệt trong những trường hợp đang mong con. Khi bệnh nhân đến khám, bác sĩ chuyên khoa sẽ khai thác tiền sử của bản thân và gia đình, đánh giá tổng trạng, các đặc điểm sinh dục thứ phát, đồng thời chỉ định các xét nghiệm khảo sát nội tiết của buồng trứng, tuyến giáp, dự trữ buồng trứng, siêu âm khảo sát tử cung – buồng trứng, trong một số trường hợp nghi ngờ, bệnh nhân sẽ được đề nghị làm thêm các xét nghiệm về mặt di truyền để tìm nguyên nhân.
Tùy vào nguyên nhân gây vô kinh mà bác sĩ sẽ đưa ra các giải pháp phù hợp để giải quyết tình trạng này. Bên cạnh việc thay đổi lối sống và sinh hoạt, đa phần các trường hợp rối loạn chức năng buồng trứng mức độ nhẹ, các bác sĩ có thể dùng một số liệu pháp hormon giúp tái lập lại chu kỳ kinh nguyệt, tăng cơ hội có thai. Tuy nhiên, đối với những trường hợp giảm hoặc suy chức năng buồng trứng nặng, người bệnh có thể được tư vấn điều trị thụ tinh ống nghiệm sớm, trữ trứng hoặc xin trứng cho kế hoạch mang thai sau này.
Kết luận
Vô kinh là một rối loạn của chu kỳ kinh nguyệt, có thể là biểu hiện sự rối loạn cấu trúc hoặc chức năng của cơ quan sinh sản. Vô kinh thường gây ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của người phụ nữ và có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng vô sinh. Vì vậy, khi có các thay đổi tính chất của chu kỳ kinh nguyệt, người phụ nữ nên đến khám các trung tâm – bệnh viện chuyên khoa để được khám, tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời.