VÔ SINH CÓ CON ĐƯỢC KHÔNG?

Ngày nay, tình trạng vô sinh ở cả nam giới và nữ giới đang có xu hướng tăng lên qua các năm khiến các cặp vợ chồng chậm con mang tâm lý “Liệu rằng vô sinh có con được không?”

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỉ lệ vô sinh cao trên thế giới, trong đó 50% số ca mắc bệnh nằm ở độ tuổi dưới 30. Thống kê của Bộ Y tế nước ta cho thấy, mỗi năm có khoảng 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỉ lệ khoảng 7,7.

Cuộc sống hiện đại tạo cho chúng ta rất nhiều cơ hội xây dựng, phát triển xã hội, kinh tế nâng cao chất lượng cuộc sống. Mặt trái của cuộc sống hiện đại là vô vàn nhũng thách thức, khó khăn và áp lực của con người càng nặng nề hơn. Bắt kịp theo sự phát triển của xã hội, xu thế kết hôn muộn, việc trì hoãn có con của các cặp vợ chồng ngày càng tăng, chính vì thế mà nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con cái. Chính vì vậy, tình trạng vô sinh hiếm muộn ngày đã trở nên phổ biến trong các cặp vợ chồng trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

 

Khái niệm về vô sinh

Vô sinh hay chúng ta có khái niệm khác là hiếm muộn, theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thê giới (WHO), là tình trạng một cặp vợ chồng mong muốn có con và sinh hoạt vợ chồng đều đặn trong vòng 12 tháng, không sử dụng biện pháp tránh thai nào mà vẫn không có con. Đối với phụ nữ trên 35 tuổi, thời gian trên có thẻ giảm xuống còn 6 tháng, thay vì 1 năm.

Hiếm muộn có thể nguyên phát, nghĩa là tình trạng hiếm muộn ở những cặp vợ chồng mà người vợ chưa từng có thai; hoặc thứ phát, nghĩa là người vợ có thể có thai trước đây mà bây giờ không thể có thai lại.

Vô sinh là gì?

 

 Nguyên nhân dẫn đến vô sinh

Trước khi giải đáp câu hỏi “vô sinh có con được hay không”, chúng ta cần tìm hiểu nguyên nhân hiếm muộn thường gặp ở các cặp vợ chồng hiện nay.

Theo thống kê của Tổ chức y tế thế giới, nguyên nhân vô sinh do nam giới chiếm tỉ lệ khoảng 40 % tương đương nguyên nhân gây vô sinh do nữ khoảng 40%, 10% do cả nam và nữ, 10% còn lại là không rõ nguyên nhân.

 

Những nguyên nhân vô sinh ở nam giới

  • Nguyên nhân do tắc nghẽn: tắc ống dẫn tinh, bất sản ống dẫn tinh, thắt ống dẫn tinh, hội chứng Young
  • Nguyên nhân không do tắc nghẽn
  • Bệnh lý vùng hạ đồi- tuyến yên: suy tuyến sinh dục trung tâm, chấn thương, khối u, hội chứng Kallman,…
  • Bệnh lý tại tinh hoàn: giãn tinh mạch thừng tinh, tinh hoàn ẩn, viêm tinh hoàn, chấn thương tinh hoàn, ung thư tinh hoàn,…
  • Bất thường giải phẫu: lỗ tiểu đóng tháp, dương vật nhỏ, bất sản ống dẫn tinh.
  • Bất thường giao hợp: rối loạn cương dương, xuất tinh sớm, xuất tinh ngược dòng, ảnh hưởng tâm lý.
  • Yếu tố lối sống: chế độ ăn, rượu bia, thuốc lá, tiếp xúc hóa chất, phóng xạ...
  • Không rõ nguyên nhân : chiếm tỉ lệ cao 40-50%.

 

Nguyên nhân vô sinh thường gặp ở nữ giới

  • Rối loạn phóng noãn: hội chứng buồng trứng đa nang, suy buồng trứng, tăng prolactin máu, rối loạn chức năng tuyến giáp, stress..
  • Bệnh lý vòi trứng và vùng chậu: tắc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, viêm nhiễm vùng chậu, viêm vòi tử cung,…
  • Bất thường cổ tử cung: cổ tử cung hẹp, polyp cổ tử cung, chất nhầy cổ tử cung không thuận lợi, viêm cổ tử cung, kháng thể kháng tinh trùng,..
  • Bất thường tử cung và nội mạc tử cung: không có tử cung, tử cung dị dạng, nội mạc mỏng, dính buồng tử cung,…

 

Vô sinh có con được không?

Để trả lời chính xác bệnh “vô sinh có con được không”, cặp vợ chồng cần đến trung tâm hỗ trợ sinh sản để thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng đánh giá phân loại nguyên nhân, mức độ bệnh.

  • Đối với chồng: khám dương vật, tinh hoàn, thừng tinh, xét nghiệm tinh trùng, nội tiết sinh sản nam, siêu âm tinh hoàn. xét nghiệm di truyền, siêu âm trực tràng, sinh thiết tinh hoàn,..
  • Đối với vợ: khám phụ khoa, xét nghiệm vi khuẩn nhuộm soi, AMH, nội tiết sinh sản nữ, siêu âm đầu dò âm đạo, chụp cản quan tử cung vòi trứng, siêu âm bơm nước buồng tử cung, nội soi chẩn đoán..

 

vô sinh có con được không

 

Tỉ lệ thành công mỗi đợt điều trị vô sinh: thông thường mỗi tháng có phóng noãn, giao hợp với tinh trùng bình thường, khả năng có thai của một cặp vợ chồng không quá 25%. Đối với các cặp vợ chồng gặp vấn đề hiếm muộn, khả năng có thai hang tháng giảm đi rất nhiều, thâm chí là không thể có thai nếu không có sư can thiệp của y học.

 

Việc điều trị nhằm mục đích phụ hồi khả năng có thai của các cặp vợ chồng. Mỗi đợt điều trị tương đương một lần phóng noãn và quan hệ hệ của một cặp vợ chồng. do đó, tỉ lệ thành công của một đợt điều trị thường khoảng 20-30%. Tuy nhiên, với các kĩ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả cao như thụ tinh trong ống nghiệm, tỉ lệ có thai của một đợt điều trị có thể tang đến 40% hoặc hơn.

 

Các phương pháp điều trị vô sinh

Trước đây, bài toán “vô sinh có con được không” là bài toán khó nhưng nền y học hiện đại và y khoa ngày càng cải tiền thì điều trị cặp vợ chồng vô sinh không còn quá phức tạp. Tuy nhiên, tỉ lệ thành công của các phương pháp điều trị vô sinh còn tùy vào mức độ bệnh và nguyên nhân dẫn tới tình trạng  để tìm kiếm phương pháp chữa trị hiệu quả nhất. Việc khám và điều trị vô sinh cho cặp vợ chồng mất nhiều thời gian., kiên trì cho nên muốn có con người bệnh không được nản chí mà phải cố gắng rất nhiều.

 

Điều trị nội khoa

Đây là phương pháp đơn giản và ít tốn kém. Tùy thuộc bệnh lý của vợ/chồng, bác sĩ sử dụng phác đồ phù hợp. Ví du: nguyên nhân do bệnh lý nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định dùng kháng sinh loại bỏ tác nhân gây bệnh; hoặc tinh trùng yếu do nguyên nhân lối sống điều trị hỗ trợ thuốc kết hợp thay đổi lối sống nhằm cải thiện chất lượng tinh trùng…

 

Điều trị ngoại khoa

Phẫu thuật chỉ đinh cho những trường hợp ảnh hưởng trực tiếp đến cơ quan sinh sản và thụ tinh như giãn tĩnh mạch thừng tinh, xoắn tinh hoàn, tắc ống dẫn tinh, tắc vòi trứng, u xơ tử cung dưới niêm mạc, polyp buồng tử cung…

 

Kích thích buồng trứng và bơm tinh trùng vào buồng tử cung (IUI)

Kỹ thuật bơm tinh trùng vào buồng tử cung trải qua các giai đoạn: kích thích buồng trứng rụng trứng ở người vợ, lọc rửa và lựa chọn tinh trùng người chồng, cuối cùng là bơm tinh trùng vào buồng tử cung.

 

Các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản

Đây là các kỹ thuật giúp khả năng sinh sản, trong đó, tế bào noãn được lấy ra khỏi buồng trứng và xử lý bên ngoài cơ thể người phụ nữ bao gồm:

  • Thụ tinh trong ống nghiệm: là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng labo để tạo thành phôi. Sau khoảng thời gian nuôi cấy bên ngoài (thông thường khoảng 3 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

 

thụ tinh gtring ống nghiệm ivf

 

  • Tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ISCI): là kĩ thuật trợ giúp cho quá trình thụ tinh giữa noãn và tinh trùng trong trường hợp số lượng và chất lượng tinh trùng quá kém.
  • Hỗ trợ phôi thoát màng (AH): là một kỹ thuật vi thao tác giúp phôi thoát khỏi màng bao. Kỹ thuật này được thực hiện trước khi phôi được chuyển vào buồng tử cung.
  • Kỹ thuật trưởng thành noãn trong ống nghiệm (IVM): là phương pháp lấy trứng từ buồng trứng (chưa được kích thích bằng hormone) đem nuôi cấy trong môi trường chuyên biệt tại phòng thí nghiệm. Sau khi trứng trưởng thành có thể thực hiện thụ tinh ống nghiệm như bình thường.
  • Xin noãn: là kỹ thuật giúp một người phụ nữ (người nhận) có thể có thai với noãn của phụ nữ khác (người cho)
  • Mang thai hộ: là kỹ thuật giúp một cặp vợ chồng, trong đó người vợ không thể mang thai vì lý do y học, có thể có con của chính mình
  • Kĩ thuật đông lạnh và lưu trữ tinh trùng: là kỹ thuậtgiúp lưu trữ tinh trùng trong thời gian nhiều năm mà còn khả năng thụ tinh sau khi rã đông.
  • Đông lạnh và lưu trữ phôi: là những phôi được trữ lạnh sau quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thay vì đưa vào cơ thể người phụ nữ. Nếu vì một lý do nào đó mà không thể chuyển phôi tươi hoặc chuyển phôi tươi thất bại thì chuyển phôi trữ lạnh sẽ được thực hiện
  • Đông lạnh và lưu trữ noãn: là kỹ thuật lưu trữ noãn trưởng thành để sử dụng vào thời điểm thích hợp trong tương lai. Đây là một phương án dự phòng với mục đích bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ chưa sẵn sàng cho việc làm mẹ tại thời điểm hiện tại vì nhiều lý do khác nhau.
  • Phẫu thuật trích tinh trùng: là kĩ thuật sử dụng cho những trường hợp hiếm muộn nam không có tinh trùng bao gồm các kĩ thuật như PESA, MESA, TESA, TESE

 

Bên cạnh các phương pháp điều trị vô sinh như trên, thì cặp vợ chồng cần có chế độ sinh hoạt phù hợp, chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bổ sung đủ axit folic và vitamin B12 (có trong bơ, bông cải xanh, rau bina…), kẽm (trong ngũ cốc, lòng trắng trứng…), không ăn đồ quá - mặn, thực phẩm ướp lạnh, hạn chế ăn nhiều đồ ngọt, béo, không dùng các chất gây nghiện, chất kích thích và quan trọng luôn giữ trạng thái tinh thần tốt, tâm lý vũng vàng, có sự quan tâm, chăm sóc lẫn nhau cùng bước qua những cung bậc cảm xúc đến lúc kết quả viên mãn.

 

Kết luận

  • Qua bài viết. chúng tôi mong rằng các cặp vợ chồng hiếm muộn đã có câu trả lời cho câu hỏi “vô sinh có con được không”.
  • Ngày nay, các cặp đôi nam nữ trước khi kết hôn, có thể đến các trung tâm hỗ trợ sinh sản để kiểm tra sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân ngoài đánh giá sức khỏe tổng quát còn giúp các cặp đôi phát hiện những bệnh truyền nhiễm, di truyền, hoặc bệnh lý ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
  • Nếu các cặp vợ chồng có những dấu hiệu của vô sinh thì điều quan trọng là các cặp vợ chồng nên đến với các trung tâm hỗ trợ sinh sản sớm để được đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn chẩn đoán và điều trị sớm giúp tăng cơ hội tìm con cho các cặp gia đình mong con.  

Bs.Trần Ngọc Long

Khoa Hỗ trợ sinh sản – Bệnh viện Phụ sản Tp.Cần Thơ

VÔ SINH CÓ CON ĐƯỢC KHÔNG?

VÔ SINH CÓ CON ĐƯỢC KHÔNG?