Hiếm muộn vô sinh nam nguyên nhân do nam giới được hiểu đơn giản là tình trạng người đàn ông không có khả năng sinh con.
Hiện nay, tình trạng vô sinh hiếm muộn ở các cặp vợ chồng gia tăng và có xu hướng trẻ hóa lứa tuổi mắc bệnh. Theo thống kê trên thế giới, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 8 – 15% các cặp vợ chồng. Ở Việt Nam hiện nay, vô sinh chiếm 12 – 13% tổng số cặp vợ chồng.
Vậy đâu là nguyên nhân gây vô sinh nam và vô sinh chữa được không?
Nguyên nhân dẫn đến vô sinh nam
Có 3 nhóm nguyên nhân chính dẫn tới vô sinh ở nam giới:
Nguyên nhân do bệnh lý cơ quan sinh dục
- Biến chứng quai bị gây viêm tinh hoàn, teo hẹp ống sinh tinh gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
- Do nhiễm trùng: Một số bệnh lý nhiễm trùng, bao gồm cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục, như bệnh lậu hoặc HIV, có thể làm cản trở khả năng sản xuất tinh trùng, sức khỏe tinh trùng hoặc có thể gây ra sẹo làm cản trở sự di chuyển của tinh trùng trong các ống tinh hoàn.
- Tinh hoàn không di chuyển xuống: Nếu trong quá trình phát triển của bào thai, một hoặc cả hai tinh hoàn không đi xuống từ bụng vào bìu, tinh hoàn sẽ bị tiêu hủy và khả năng sinh sản bị hạn chế.
- Mất cân bằng nội tiết tố: Vô sinh có thể là do rối loạn chức năng nội tiết của tinh hoàn hoặc hệ thống nội tiết bao gồm vùng dưới đồi, tuyến yên, tuyến giáp và tuyến thượng thận. Nếu đo nồng độ testosterone thấp, cần tìm các bệnh lý suy sinh dục nam tiềm ẩn.
- Giãn tĩnh mạch thừng tinh: Tình trạng ứ động máu tĩnh mạch thừng tinh làm tăng nhiệt độ tinh hoàn dẫn đến giảm chất lượng tinh trùng.
- Chấn thương vùng bìu, tổn thương tinh hoàn…
Nguyên nhân do xuất tinh và tinh trùng
- Không có tinh trùng trong tinh dịch
- Tinh trùng yếu về số lượng và chất lượng (tinh trùng dị dạng nhiều)…
- Vấn đề xuất tinh: Xuất tinh ngược dòng xảy ra khi tinh dịch đi vào bàng quang khi đạt cực khoái thay vì cần phải phóng thích ra khỏi đầu dương vật. Tình trạng này có thể là biến chứng của các bệnh lý tại chỗ hay toàn thân khác như chấn thương cột sống, phẫu thuật tại bàng quang, tuyến tiền liệt, niệu đạo, đái tháo đường, dùng thuốc.
- Rối loạn cương: không thể cương để quan hệ, xuất tinh sớm, không xuất tinh…
- Tắc nghẽn ống dẫn tinh: Ống dẫn tinh có thể bị tổn thương và tắc nghẽn do chấn thương, tai nạn, phẫu thuật, nhiễm trùng hoặc các phát triển bất thường như trong bệnh xơ nang, bệnh di truyền. Sự tắc nghẽn có thể xảy ra ở bất kỳ vị trí nào, từ trong tinh hoàn, ống dẫn lưu tinh hoàn, mào tinh, ống dẫn tinh cho đến cả niệu đạo.
- Khiếm khuyết nhiễm sắc thể: Các rối loạn di truyền như hội chứng Klinefelter, hội chứng Kallmann, hội chứng Kartagener, xơ nang... gây ra những bất thường trong sự phát triển của cơ quan sinh sản nam.
- Tiền căn phẫu thuật: Một số phẫu thuật có thể để lại di chứng hạn chế khả năng xuất tinh như sửa chữa thoát vị bẹn, phẫu thuật bìu, tinh hoàn, tuyến tiền liệt cũng như phẫu thuật lớn trong ổ bụng.
Một số nguyên nhân do thói quen và lối sống
- Sử dụng ma túy: Sử dụng cocaine hoặc cần sa có thể làm giảm số lượng lẫn chất lượng tinh trùng.
- Uống rượu: Rượu làm giảm nồng độ testosterone, gây rối loạn chức năng cương dương và giảm sản xuất tinh trùng. Bệnh gan do uống rượu quá nhiều cũng có thể dẫn đến các vấn đề về sinh sản.
- Hút thuốc lá: Những người đàn ông hút thuốc được quan sát thấy là có số lượng tinh trùng thấp hơn những người không hút thuốc. Hút thuốc thụ động cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nam giới.
- Cảm xúc và tinh thần: Thường xuyên lo âu, căng thẳng có thể ảnh hưởng một số hormone cần thiết để sản xuất tinh trùng. Nhiều nghiên cứu cho thấy khả năng mang thai có thể thấp hơn nếu bạn tình nam bị trầm cảm nặng. Ngoài ra, rối loạn tâm lý ở nam giới có thể gây ra rối loạn chức năng tình dục do giảm ham muốn, rối loạn cương dương, chậm xuất tinh hoặc bị ức chế.
- Cân nặng: Béo phì có thể làm giảm khả năng sinh sản theo nhiều cách, bao gồm cả tác động trực tiếp đến tinh trùng cũng như gián tiếp gây ra các thay đổi hormone.
- Nghề nghiệp: Một số công việc phải ngồi lâu có thể liên quan đến nguy cơ vô sinh, tiếp xúc với các tia sóng không có lợi, sóng 3G…
Chẩn đoán và điều trị
Với sự tiến bộ của y khoa trong việc chữa trị vô sinh ở nam giới, hiện nay đã có nhiều phương pháp điều trị giúp những người đàn ông hiếm muộn có thể thực hiện được thiên chức của mình. Để cho quá trình điều trị có hiệu quả cao, thì chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh là vô cùng quan trọng.
Chẩn đoán
- Khám tổng quát: Bác sĩ sẽ kiểm tra toàn bộ bộ phận sinh dục nam, đồng thời sẽ hỏi về tiền sử và các thói quen sinh hoạt tình dục.
- Phân tích tinh dịch: giúp kiểm tra chất lượng tinh trùng xem có sự bất thường nào về hình dạng (hình thái) và sự di chuyển (vận động) không. Ngoài ra, còn tìm thêm các dấu hiệu liên quan như nhiễm trùng.
- Siêu âm bìu
- Xét nghiệm chức năng tinh trùng chuyên biệt.
- Xét nghiệm nội tiết tố nam
- Xét nghiệm nước tiểu sau khi xuất tinh
- Xét nghiệm di truyền, sinh thiết tinh hoàn…
Phương pháp điều trị vô sinh ở nam
Tùy theo từng nguyên nhân bác sĩ sẽ đưa ra phát đồ điều trị:
- Điều trị nội khoa: Đây là phương pháp điều trị bằng kháng sinh có thể chữa khỏi hẳn các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản, nhưng không phải lúc nào cũng có thể phục hồi khả năng sinh sản.
- Điều trị nội tiết
- Điều trị các bệnh lí kèm theo: tiểu đường, huyết áp…
- Phẫu thuật: giãn tĩnh mạch thừng tinh, hẹp ống dẫn tinh….
- Lấy tinh trùng để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm
- Chọc hút mào tinh, tinh hoàn tìm tinh trùng
- Phẫu thuật mào tinh, tinh hoàn tìm tinh trùng…
Các biện pháp phòng ngừa vô sinh nam
- Chế độ sinh hoạt hợp lí, lối sống lành mạnh
- Hạn chế bia rượu, hút thuốc lá, tránh dùng thuốc kích thích…
- Tránh tiếp xúc với thuốc trừ sâu, kim loại nặng và các chất độc…
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tránh các yếu tố gây tích tụ nhiệt kéo dài trên vùng bẹn bìu như hạn chế ngồi lâu, không mặc quần bó, không ngâm mình trong nước nóng, tắm xông hơi...
- Giảm căng thẳng, hạn chế lo âu
Tóm lại, vô sinh ở người nam cần được xem là một bệnh lý thực thụ. Hiểu biết các nguyên nhân gây vô sinh ở nam giới trên đây sẽ giúp mỗi người đàn ông tự phòng ngừa cho chính mình và phần nào giúp định hướng thái độ điều trị đúng đắn, can thiệp kịp thời nhằm đảm bảo sức khỏe, hạnh phúc toàn diện.
Tài liệu tham khảo:
- Nam khoa lâm sàng nhà xuất bản tổng hợp tphcm
- Vai trò nam khoa trong hỗ trợ sinh sản.
Bs. CKI. Nguyễn Phúc Tùng
Khoa Nam Khoa- BV Phụ sản Tp. Cần Thơ