Xét nghiệm dành cho nữ

Nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn để thụ thai vào lúc đầu[1]. Nếu bạn đi khám, bạn sẽ cần thực hiện một số xét nghiệm. Bạn nên tìm hiểu để biết cần làm gì đối với mỗi xét nghiệm.

 

Xét nghiệm nào sẽ được thực hiện đầu tiên?

Nếu bạn khám bác sĩ gia đình trước, họ sẽ tiến hành một số xét nghiệm đơn giản ít xâm lấn cho cả hai bạn. Bao gồm:

  • Khám tổng quát
  • Kiểm tra cân nặng
  • Khám vùng chậu và cơ quan sinh dục
  • Khám vú
  • Xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung
  • Xét nghiệm máu

Sau đó, bạn và/hoặc bạn đời của bạn sẽ được chuyển đến bác sĩ chuyên khoa sinh sản để thực hiện thêm một số xét nghiệm xâm lấn nếu cần.

 

Các xét nghiệm nào bác sĩ chuyên khoa sẽ thực hiện cho bạn?

Bác sĩ chuyên khoa có thể kiểm tra:

  • Hoạt động nội tiết nhằm giúp trứng trưởng thành
  • Sự phóng noãn có đều không
  • Buồng tử cung và vòi trứng có bình thường và hoạt động tốt không
  • Nội mạc tử cung có đủ dày và tốt để nuôi dưỡng phôi không

 

Ai sẽ thực hiện các xét nghiệm tại cơ sở chuyên khoa?

Đội ngũ chuyên khoa bao gồm các bác sĩ và y tá cùng với các bác sĩ chuyên khoa hiếm muộn và chuyên gia phôi học sẽ xem xét các biện pháp điều trị phức tạp hơn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Hãy hỏi bác sĩ hoặc đội ngũ điều trị cho bạn về các vai trò khác nhau của họ và cách mà họ sẽ hỗ trợ bạn.

 

Các khảo sát và xét nghiệm thường quy dành cho nữ

 

Các xét nghiệm ban đầu

  • Bệnh sử — Bạn sẽ được hỏi chi tiết về bệnh sử và sinh hoạt tình dục. Nếu bạn cảm thấy không thoải mái khi thảo luận về bất kỳ vấn đề nào khi có mặt bạn đời của mình, bạn có thể yêu cầu nói chuyện riêng với bác sĩ của mình.
  • Khám tổng quát— Bạn có thể được khám vùng chậu để kiểm tra tử cung và các cơ quan trong vùng chậu. Bạn cũng có thể được khám vú, cân nặng và chỉ số BMI.
  • Tầm soát ung thư cổ tử cung— Bạn cũng có thể được hỏi về xét nghiệm tầm soát ung thư cổ tử cung gần nhất và có thể được thực hiện một xét nghiệm mới. Xét nghiệm này nhằm loại trừ bất kỳ tế bào bất thường hoặc viêm nhiễm nào trên cổ tử cung.
  • Xét nghiệm máu và nước tiểu — Bạn sẽ được thực hiện một số xét nghiệm máu và nước tiểu thường quy. Hãy hỏi cơ sở điều trị về các xét nghiệm bạn thực hiện.
  • Xét nghiệm sức khoẻ tổng quát— Bạn cũng có thể được xét nghiệm rubella (sởi Đức), chlamydia, viêm gan B, C và HIV. Dựa trên chủng tộc và đặc tính di truyền, bạn cũng có thể được tầm soát một số bệnh lý thường gặp trong dân số ở nước ta, như thiếu máu thalassaemia hoặc hồng cầu liềm.

 

Theo dõi định kỳ

  • Xét nghiệm nội tiết máu và nước tiểu — Các xét nghiệm này sẽ được thực hiện vào một số ngày cụ thể trong chu kỳ kinh nhằm đo lường nồng độ của các loại nội tiết khác nhau.[3] Các xét nghiệm này giúp xác định bạn có rụng trứng không[3,4], cũng như chất lượng và số lượng trứng được sản xuất (gọi là dự trữ buồng trứng)[5]. Điều này giúp tiên lượng đáp ứng buồng trứng khi kích thích buồng trứng làm thụ tinh trong ống nghiệm.
  • Thân nhiệt — Bạn có thể được đo thân nhiệt trong suốt chu kỳ kinh nguyệt để xác định bạn có rụng trứng không[4].

 

Các xét nghiệm chuyên sâu khác

  • Đếm nang thứ cấp — Siêu âm để đếm số nang noãn và kích thước nang noãn trên buồng trứng[3]
  • Chụp hình vòi trứng cản quang— Đưa chất cản quang vào buồng tử cung để đánh giá hình dạng, kích thước buồng tử cung và vòi trứng. Xét nghiệm này cũng cho bác sĩ thấy có tắc nghẽn vòi trứng hay không[6]
  • Nội soi ổ bụng — Một ống soi nhỏ được đưa vào ổ bụng, dưới gây mê toàn thân.[6] Thủ thuật này giúp kiểm tra vòi trứng, sự hiện diện của lạc nội mạc tử cung xung quanh tử cung và vòi trứng[6] .

 

Tài liệu tham khảo

  1. Boivin J, et al. New Debate: International estimates of infertility prevalence and treatment-seeking: potential need and demand for infertility medical care. Hum Reprod 2007;22(6):1506–1512.
  2. National Health Service. Infertility, Diagnosis. 2017. Available at: https://www.nhs.uk/conditions/infertility/diagnosis/#questions-your-doctor-may-ask. Accessed: January 2018.
  3. National Institute for Health and Care Excellence (NICE). Fertility problems: assessment and treatment: CG156. 2016. Available at: https://www.nice.org.uk/guidance/cg156. Accessed: September 2016.
  4. Manders M, et al. Cochrane Database Syst Rev 2015;(3):CD011345.
  5. Gruijters M, et al. Mol Cell Endocrinol 2003;211:85–90.
  6. Khalaf Y. BMJ 2003;327(7415):610–613.

 

Xét nghiệm dành cho nữ