1. Tổng quan về xét nghiệm vô sinh nam
Theo thống kê từ các nghiên cứu trong và ngoài nước, tỷ lệ vô sinh có nguyên nhân bất thường tinh trùng chiếm đến khoảng 50%. Trong đó, 35% bất thường tinh trùng đơn độc và 20% nguyên nhân kết hợp cả hai vợ chồng. Điều này cho thấy đánh giá tình trạng vô sinh ở nam giới thông qua việc hỏi tiền sử, thăm khám lâm sàng và xét nghiệm chất lượng tinh trùng là một bước quan trọng góp phần lớn vào thành công điều trị.
Những nguyên nhân dẫn đến bất thường tinh trùng bao gồm: bệnh lý tại hệ thần kinh trung ương (suy vùng dưới đồi, hội chứng Kallmann, suy tuyến yên, cường prolactin,…), bất thường di truyền (hội chứng Klinefelter, bộ NST XYY,…), tinh hoàn ẩn/lạc chỗ, tắc nghẽn ống sinh-dẫn tinh, tiền sử quai bị biến chứng viêm tinh hoàn,… Nam giới mắc các bệnh lý mạn tĩnh như ĐTĐ, ung thư, béo phì, giãn tĩnh mạch thừng tinh hoặc có lối sống không lành mạnh, sử dụng nhiều rượu bia, thuốc lá hay các chất kích thích đều là những đối tượng nguy cơ.
2. Khi nào cần xét nghiệm vô sinh nam?
Cho đến nay, tinh dịch đồ là xét nghiệm được chỉ định thường quy cho tất cả các trường hợp nam giới đến khám vô sinh. Xét nghiệm này thực hiện nhằm đánh giá các thông số như: mật độ, độ di động, hình thái và tỷ lệ sống của tinh trùng. Đây là công cụ hữu ích giúp các bác sĩ lâm sàng định hình chẩn đoán và chỉ định phương pháp điều trị vô sinh phù hợp.
3. Xét nghiệm vô sinh nam gồm những gì?
Các xét nghiệm vô sinh nam bao gồm:
2.1. Xét nghiệm tinh trùng
Các xét nghiệm tinh trùng được thực hiện sau khi kiêng quan hệ hoặc xuất tinh từ 2-5 ngày. Mẫu tinh dịch được lấy bằng cách thủ dâm hoặc giao hợp với bao cao su chuyên dụng. Lọ đựng mẫu xuất tinh do phòng khám cung cấp phải là lọ vô khuẩn và không chứa chất có hại cho tinh trùng.
Tinh dịch đồ: đánh giá số lượng, độ di động, sức sống, các bất thường hình thái của tinh trùng, cũng như các thành phần có trong tinh dịch. Nếu kết quả tinh trùng bất thường nặng có thể hẹn xét nghiệm lại sau 2 tuần.
Xét nghiệm tinh dịch đồ
Xét nghiệm phân mảnh DNA tinh trùng: Sự toàn vẹn DNA tinh trùng được chứng minh có mối liên quan đến chức năng sinh sản ở nam giới và chất lượng tinh trùng. Sự phân mảnh DNA tinh trùng có thể dẫn đến các ảnh hưởng tiêu cực lên sự phát triển phôi, làm tăng tỷ lệ sẩy thai, thai ngừng phát triển, giảm tỷ lệ thành công sau thụ tinh. Có nhiều phương pháp để khảo sát mức độ phân mảnh DNA tinh trùng như: SCSA, TUNEL, SCD hay Comet. Mỗi phương pháp có ưu và nhược điểm riêng biệt. Nhờ tính sẵn có, đơn giản và độ chính xác cao, hai phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất hiện nay là SCSA và SCD.
Khác: Một số xét nghiệm tinh trùng chuyên sâu có thể được chỉ định tùy thuộc tình trạng bất thường tinh trùng như: xét nghiệm sức bền tinh trùng, xét nghiệm mức độ stress oxy hóa tinh trùng,…
2.2. Xét nghiệm nội tiết tố
Xét nghiệm nội tiết
Xét nghiệm nội tiết bao gồm: LH, FSH, testosterone, prolactin máu.
Xét nghiệm vô sinh nam
Các xét nghiệm này có thể được chỉ định khi kết quả tinh dịch đồ bất thường nặng, nhằm phát hiện nguyên nhân như suy sinh dục nguyên phát, suy tuyến yên, cường prolactin,...
2.3. Xét nghiệm di truyền karyotype
Yếu tố di truyền cũng là nguyên nhân khiến số lượng và chất lượng tinh trùng suy giảm. Một số bất thường ở nam giới như mất đoạn NST Y, hội chứng Klinefelter,.. có thể gây vô sinh ở nam giới.
Xét nghiệm di truyền karyotype
2.4. Siêu âm bìu
Siêu âm bìu có tác dụng khảo sát kích thước, mật độ, mức độ tưới máu tại tinh hoàn và các bệnh lý liên quan như giãn tĩnh mạch thừng tinh, nang mào tinh, tràn dịch màng tinh hoàn, tinh hoàn ẩn,…
Xét nghiệm vô sinh nam bằng cách siêu âm bìu
4. Nên xét nghiệm vô sinh nam khi nào?
Cần đi xét nghiệm vô sinh càng sớm càng tốt khi gặp phải những dấu hiệu sau đây:
-
Trong vòng 1 năm không sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào nhưng vẫn chưa thể có con, được chẩn đoán là cặp vợ chồng vô sinh.
-
Gặp vấn đề khi giao hợp như: giảm ham muốn tình dục, rối loạn xuất tinh, rối loạn cương dương, xuất tinh ngược dòng hoặc xuất tinh ra máu.
-
Có tiền sử bị viêm nhiễm hoặc các bệnh lý liên quan đến tinh hoàn như: quai bị (biến chứng viêm tinh hoàn) hoặc từng trải qua phẫu thuật tinh hoàn ẩn.
-
Có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục dẫn đến tình trạng tắc ống đẫn tinh như: giang mau, bệnh lậu,…
Một số quan điểm sai lầm thường gặp khi đi xét nghiệm, chẳng hạn như việc kiêng quan hệ hoặc xuất tinh càng lâu thì kết quả của xét nghiệm tinh dịch càng tốt. Quan điểm này hoàn toàn không đúng bởi tinh trùng được sản xuất một cách liên tục, nếu việc kiêng xuất tinh kéo dài quá lâu sẽ dẫn đến ứ đọng tinh trùng, dẫn đến việc mặc dù số lượng tinh trùng tăng song chất lượng mà đặc biệt là hình thái tinh trùng suy giảm đáng kể, ảnh hưởng đến kết quả đánh giá tinh trùng. Kiêng quan hệ/ xuất tinh với thời gian vừa đủ giúp các chuyên gia đánh giá chính xác chất lượng tinh trùng, đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.